Thế giới

4 ưu tiên đối với chiến lược chống lại đại dịch toàn cầu

ClockThứ Sáu, 10/04/2020 15:02
TTH.VN - Sự tương phản giữa sự vắng lặng trên các con phố và quảng trường ở châu Âu và sự hỗn loạn, đau đớn ở nhiều bệnh viện của khu vực là một thực tế rất đau lòng. Đại dịch COVID-19 không chỉ lây lan ở châu Âu mà toàn bộ cộng đồng toàn cầu. Rõ ràng là đại dịch sẽ định hình lại thế giới của chúng ta, nhưng điều đó chính xác xảy ra như thế nào sẽ phụ thuộc vào các lựa chọn mà chúng ta thực hiện ngày hôm nay.

EU nhất trí cung cấp gói hỗ trợ 500 tỷ Euro để kích thích kinh tế khu vựcKhủng hoảng COVID-19 có thể khiến nửa tỷ người rơi vào cảnh nghèo đóiTruyền thông Đức đánh giá cao Việt Nam hỗ trợ châu Âu chống dịchTổng thống Trump cảm ơn Việt Nam hợp tác với Mỹ đối phó Covid-19​

Số người tử vong do đại dịch COVID-19 đang không ngừng gia tăng trên toàn cầu. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Đó là nhận định được đưa ra trong bài viết của ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và An ninh, kiêm Phó chủ tịch của Ủy ban châu Âu, vừa được đăng tải trên Tạp chí The ASEAN Post.

Theo ông Josep Borrell, virus Corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh COVID-19) nên được coi là kẻ thù chung của thế giới. Mặc dù đây không phải là một cuộc chiến tranh, tuy nhiên chúng ta vẫn cần một sự huy động các nguồn lực “giống như chiến tranh”. Chúng ta chỉ có thể đánh bại nó bằng sự phối hợp xuyên biên giới - ở châu Âu và xa hơn.

Chúng ta cần một cách tiếp cận quốc tế chung đối với đại dịch và để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, nhất là những người ở các quốc gia đang phát triển và các khu vực xung đột. Tôi đã nhấn mạnh điểm này trong các cuộc thảo luận gần đây với các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và nhiều người khác. Liên minh châu Âu (EU) phải và sẽ là một phần của nỗ lực.

Bây giờ là lúc để cho thấy rằng, sự đoàn kết không phải là một cụm từ trống rỗng. May mắn thay, điều đó hiện đã được chứng minh ở khu vực châu Âu, nơi mà Pháp và Áo đang gửi hơn 3 triệu khẩu trang đến Italy, và nơi mà Đức đang tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân đến từ Pháp và Italy. Chúng ta đang bước vào giai đoạn tập hợp, trong đó EU chiếm vị trí trung tâm.

Về phần mình, tổ chức này đang đẩy mạnh các quyết định nhằm tạo điều kiện mua sắm chung đối với các thiết bị y tế quan trọng, kích thích kinh tế chung và phối hợp các nỗ lực để đưa công dân EU quay trở về nước. Sau một cuộc họp trực tuyến của Hội đồng châu Âu, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tăng cường nỗ lực chung của họ, nhất là bằng cách phát triển hệ thống quản lý khủng hoảng khu vực châu Âu và chiến lược chung để kiểm soát virus.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 không phải là cuộc chiến giữa các quốc gia hay hệ thống. Ở các giai đoạn khác nhau của đại dịch, đã có sự hỗ trợ qua lại giữa châu Âu, Trung Quốc và các quốc gia khác, thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau và sự đoàn kết. EU đã hỗ trợ Trung Quốc khi dịch bệnh xuất hiện hồi đầu năm nay, và hiện tại Trung Quốc đang gửi các thiết bị và bác sĩ để giúp những quốc gia bị ảnh hưởng trên thế giới.

Đây là những minh chứng cụ thể về sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu; điều cần trở thành chuẩn mực. Ngoài sự phối hợp quốc tế giữa các Chính phủ, sự hợp tác giữa các nhà khoa học, nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách cũng cần được tăng cường. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải cứu nền kinh tế toàn cầu khi nó lâm vào tình trạng rơi tự do.

4 ưu tiên chính 

Có 4 ưu tiên chính đối với sự hợp tác toàn cầu. Đầu tiên, chúng ta phải tập hợp các nguồn lực để sản xuất những phương pháp điều trị mới và vắc-xin. Thứ hai, chúng ta cần hạn chế thiệt hại kinh tế bằng cách phối hợp những biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ, cũng như bảo vệ thương mại hàng hóa toàn cầu. Thứ ba, chúng ta nên có kế hoạch mở lại biên giới theo cách phối hợp bất cứ khi nào các cơ quan y tế bật đèn xanh. Cuối cùng, chúng ta phải hợp tác để chống lại những chiến dịch thông tin sai lệch.

Kết quả của các hội nghị thượng đỉnh trực tuyến gần đây của G20 nhắm theo hướng đi chung này. Tuy nhiên, những sáng kiến ​​toàn cầu và đa phương sẽ cần được duy trì và thực hiện đầy đủ trong những ngày này và tuần tới.

Trong bối cảnh virus lây lan trên toàn cầu, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến tác động ngày càng tăng của nó đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, nơi dịch bệnh đe dọa làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng an ninh hiện có.

Ở Syria, Yemen, Gaza và Afghanistan, hàng triệu người hiện đã phải chịu đựng sau nhiều năm xung đột. Chỉ cần tưởng tượng những gì sẽ xảy ra nếu virus xuất hiện trong các trại tị nạn ở khu vực, nơi dịch vụ vệ sinh và y tế hiện quá căng thẳng và các nhân viên nhân đạo đã phải vật lộn để cung cấp viện trợ.

Sau đó là châu Phi, đó là điều hết sức quan trọng. Do dịch bệnh Ebola trong giai đoạn 2014-2016 và các đợt bùng phát dịch bệnh khác, các quốc gia châu Phi có một số kinh nghiệm mà châu Âu thiếu trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên lục địa này nói chung vẫn còn yếu, và số người nhiễm bệnh đang gia tăng.

Ở nhiều quốc gia đang phát triển, một số lượng lớn người dân thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi ra ngoài mỗi ngày, và kiếm sống trong nền kinh tế phi chính thức. Tồi tệ hơn, việc rửa tay và giãn cách xã hội có thể khó khăn hơn nhiều ở những quốc gia này, bởi nước máy không phải lúc nào cũng có sẵn và các gia đình có xu hướng sống trong những không gian chật chội.

Đây là một cuộc chiến sẽ cần có sự tài trợ để giành chiến thắng. Các quốc gia đang phát triển phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn tài chính, bao gồm: đầu tư nước ngoài, kiều hối, và du lịch. Tuy nhiên, cả 3 nguồn này hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề. Trên toàn cầu, dòng vốn được ghi nhận giảm đáng kể khi các nhà đầu tư tìm đến nơi trú ẩn an toàn, người lao động nhập cư mất việc và không thể gửi tiền về nhà.

Chúng ta đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu; để tránh sự sụp đổ kinh tế ở các quốc gia đang phát triển, hỗ trợ tài chính và hạn mức tín dụng đáng kể sẽ là điều cần thiết và cần có sớm. Sự phối hợp giữa các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính quốc tế là cách khả thi duy nhất trước mắt.

Cuối cùng, trong bối cảnh sự ảm đạm bao trùm, có một cơ hội để chấm dứt những cuộc xung đột kéo dài. Hiện đã có một số dấu hiệu hợp tác tích cực giữa các bên. Chẳng hạn như, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait gần đây đã gửi viện trợ đến Iran, nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Như Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) António Guterres vừa hối thúc, chúng ta nên sử dụng cuộc khủng hoảng này như một cơ hội để khôi phục hòa bình.

Bây giờ rõ ràng rằng, cách duy nhất để thế giới vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng là hợp tác cùng nhau.

Tính đến 13h38 phút chiều nay (10/4) theo giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 1.607.595 trường hợp, trong đó 95.785 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã được phục hồi là 357.164 trường hợp. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, theo số liệu vừa được cập nhật trên trang Worldometers.

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Internet thế giới 2024 (WIC) diễn ra tại thị trấn cổ Ô Trấn (Wuzhen, Trung Quốc), Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết các vấn đề như khoảng cách số và tình hình an ninh mạng nghiêm trọng, đồng thời xây dựng một tương lai số tốt đẹp hơn.

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số
Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12: Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu

Trong bối cảnh dân số thế giới di chuyển không ngừng và nhanh chóng đến các thành phố, giải pháp để đảm bảo môi trường đô thị bền vững và an toàn cho người dân sẽ là một trong những nội dung được tập trung giải quyết tại Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12. Sự kiện đang được tổ chức từ ngày 4 - 8/11 tại Thủ đô Cairo, Ai Cập.

Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12 Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu
Return to top