Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Bức thư nói trên cho biết, 20 quốc gia chiếm 90% GDP toàn cầu nên ưu tiên đầu tư vào sức khoẻ cộng đồng, không khí sạch, nước sạch và khí hậu ổn định để tăng cường khả năng phục hồi nhanh chống lại các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai.
"Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến những cộng đồng có thể dễ bị tổn thương như thế nào khi sức khỏe, an ninh lương thực và sự tự do làm việc của họ bị gián đoạn bởi một mối đe dọa chung. Những tác động này có thể đã được giảm thiểu một phần, hoặc thậm chí có thể bị ngăn chặn, bằng cách đầu tư đầy đủ vào sự sẵn sàng ứng phó với đại dịch, y tế công cộng và quản lý môi trường", bức thư viết; đồng thời lưu ý, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 5 triệu người và cướp đi gần 350.000 sinh mạng kể từ đầu năm nay.
Với sự hỗ trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu, bức thư nhấn mạnh tác động tàn phá sức khỏe của ô nhiễm không khí, nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Những mối đe doạ sức khoẻ mới
"Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ô nhiễm không khí vốn đã làm suy yếu cơ thể của chúng ta", Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA), Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN), Tổ chức Bác sĩ Gia đình Thế giới (WONCA) và 200 nhóm khác nhận định.
"Một nền kinh tế thực sự khoẻ mạnh sẽ không cho phép tình trạng ô nhiễm tiếp tục che phủ không khí mà chúng ta hít thở và nguồn nước mà chúng ta uống. Nó sẽ không cho phép vấn đề biến đổi khí hậu và phá rừng không suy giảm, có khả năng giải phóng những mối đe dọa sức khỏe mới đối với các quần thể dễ bị tổn thương", bức thư nói thêm.
Thúc đẩy hashtag #HealthyRecovery (tạm dịch: sự phục hồi khoẻ mạnh), lời kêu gọi thúc giục loại bỏ hàng trăm tỷ USD trợ cấp cho dầu, khí đốt và than đá, động lực chính của cả 2 hiện tượng ấm lên toàn cầu và ô nhiễm không khí. Bức thư cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió.
"Sự sống khỏe mạnh phụ thuộc vào một hành tinh khỏe mạnh. Chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện, một sự phục hồi khoẻ mạnh và xanh, và chúng ta cần nó ngay bây giờ", Chủ tịch Hiệp hội Y tế Thế giới (WMA), ông Miguel Jorge khẳng định.
Các nhân viên y tế, từ đội làm vệ sinh cho đến bác sĩ trong các bệnh viện và viện dưỡng lão đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Trong khi không có con số chính thức, hàng chục ngàn người đã bị nhiễm virus và hàng trăm người đã tử vong. Vào đầu tháng 5, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) báo cáo, ít nhất 90.000 y tá trên toàn thế giới, có khả năng là gấp đôi, đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Hàng trăm chuyên gia y tế đã tử vong, bao gồm nhiều người trong đợt bùng phát ban đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tâm chấn của đại dịch COVID-19.
Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)