Các tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa: TTXVN
Đáng chú ý, chương trình mới này đã được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), sự kiện đang diễn ra tại thành phố Sharm El Sheikh của Ai Cập, từ ngày 6-18/11.
Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ các quốc gia huy động tài chính dành cho các Khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) bằng cách cải thiện việc lập kế hoạch đầu tư, xác định và phát triển các dự án, cũng như nâng cao năng lực của quốc gia, từ đó giúp đẩy nhanh dòng chảy của các dự án xanh trong khu vực này.
Chương trình được liên kết với Quỹ tài chính xanh xúc tác ASEAN (ACGF), thuộc Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF), các dự án được chương trình này xác định sẽ có thể được hưởng lợi từ những khoản tài trợ thêm bởi ACGF và các đối tác tài trợ của quỹ này.
Tổng Giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á Ramesh Subramaniam cho rằng: “Chương trình đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khí hậu thông qua Tài chính Xanh ở Đông Nam Á sẽ tạo ra các nguồn đầu tư vào khí hậu, đóng vai trò rất cần thiết trong khu vực này”.
Được biết, ông Ramesh Subramaniam cũng là người giới thiệu chương trình này tại một sự kiện bên lề, do Sáng kiến Tương lai Năng lượng Sạch hơn cho ASEAN (CEFIA) tổ chức.
Cũng theo Tổng Giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á, chương trình sẽ áp dụng một phương pháp tiếp cận tổng thể, với quy mô lớn, các khuôn khổ lập kế hoạch, những ý tưởng dự án đổi mới sáng tạo và chia sẻ kiến thức, nhằm hỗ trợ các Chính phủ trong khu vực thực hiện những cam kết đầy tham vọng về khí hậu.
Sáng kiến này sẽ phát triển các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, giao thông bền vững, quản lý chất thải, cũng như các giải pháp dựa vào thiên nhiên, có thể huy động được tài trợ khí hậu ở mức 750 triệu USD từ ADB và các đối tác.
Bên cạnh đó, ADB có kế hoạch mở rộng quy mô chương trình này bằng cách tăng cường tài trợ và kết hợp những bài học kinh nghiệm của các quốc gia Đông Nam Á trong việc chuyển đổi sang sự phát triển thích ứng với khí hậu.
Trong một động thái liên quan gần đây, ADB đã nâng tham vọng tài trợ khí hậu tích lũy trong giai đoạn 2019 - 2030 lên mức 100 tỷ USD, đồng thời cam kết đảm bảo ít nhất 75% các dự án của ngân hàng này sẽ giải quyết vấn đề giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2030.
Được biết, CEFIA là một sáng kiến của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, hướng đến thúc đẩy sự hợp tác công và tư nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và khử carbon ở các quốc gia thành viên ASEAN.
Lê Thảo (Lược dịch từ Adb.org)