Thế giới

LHQ công bố kế hoạch trị giá 3,1 tỷ USD cho hệ thống cảnh báo sớm thảm họa

ClockThứ Ba, 08/11/2022 17:15
TTH.VN - Theo tin từ AFP, Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa công bố kế hoạch 5 năm nhằm xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan đe doạ tính mạng con người và gây thiệt hại về tài sản do biến đổi khí hậu.

Từ “cảnh báo sớm” đến “hành động sớm”Hàng triệu dân sống dọc sông Mekong nhận thông báo lũ lụt, hạn hán qua FacebookĐức cảnh báo không còn nhiều thời gian cho thỏa thuận BrexitNhật Bản sắp thử nghiệm hệ thống cảnh báo thảm họa cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Cảnh báo sớm các thảm hoạ như động đất, sóng thần... có thể cứu sống nhiều mạng người và hạn chế thiệt hại. Ảnh: AFP/NLD

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP27 đang diễn ra ở Ai Cập, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết kinh phí ban đầu cho hệ thống cảnh báo sớm này khoảng 3,1 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2027, tương đương với chưa tới 50 cent/năm cho mỗi người dân trên thế giới – là mức chi phí rất thấp cho các phương pháp đã được chứng minh có thể cứu sống hàng nghìn, thậm chí hàng triệu, sinh mạng.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), con số 3,1 tỷ USD chỉ chiếm một phần nhỏ - khoảng 6% - trong số 50 tỷ USD tài trợ cho việc thích ứng được yêu cầu. Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống cảnh báo sớm là “cấp thiết” khi số lượng các thảm họa liên quan đến thời tiết được ghi nhận đã tăng gấp 5 lần, một phần là do biến đổi khí hậu do con người gây ra và thời tiết khắc nghiệt hơn.

Tổng thư ký Guterres nêu rõ ông kêu gọi xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm để trong vòng 5 năm tới, “mọi người dân trên Trái đất đều được bảo vệ”, trong đó ưu tiên hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trước tiên. 

Được biết, ngay cả khi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, thì 50% các quốc gia trên thế giới vẫn đang thiếu các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến – vốn có thể cứu mạng con người.

Theo LHQ, ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ tử vong do thiên tai cao gấp 8 lần so với các quốc gia được trang bị đầy đủ. Một hệ thống cảnh báo sớm phù hợp về lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, lốc xoáy hoặc các thảm họa khác sẽ có thể giúp các chính phủ lập kế hoạch giảm thiểu các tác động bất lợi vì các hiện tượng tự nhiên.

Thực tế, số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã tăng gần gấp đôi trong 2 thập kỷ qua, nhưng số người thiệt mạng hoặc mất tích đã giảm một nửa. Điển hình như khi cơn bão Bhola tấn công Bangladesh ngày nay vào năm 1970, nó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, khiến quốc gia này – được thành lập 1 năm sau đó, đã chủ động đầu tư vào công nghệ dự báo thời tiết, nơi trú ẩn an toàn và mạng lưới tình nguyện viên dọc bờ biển. Đến năm 2020, cơn bão Amphan với độ mạnh tương tự đã đổ bộ vào Bangladesh, nhưng số người thiệt mạng chỉ dừng ở mức 26 người.

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas nhấn mạnh: “Cảnh báo sớm sẽ có thể cứu mạng con người và mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Chỉ cần thông báo trước 24 giờ về một sự kiện thời tiết nguy hiểm sắp xảy ra là có thể giảm 30% thiệt hại sau đó”.

Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng cũng nhận thấy rằng chỉ cần chi 800 triệu USD cho các hệ thống cảnh báo sớm ở các nước đang phát triển sẽ giúp tránh được thiệt hại từ 3 tỷ - 16 tỷ USD mỗi năm.

Theo Tổng thư ký WMO, những tiến bộ đó chỉ có thể đạt được khi ứng dụng các mạng lưới quan sát và công nghệ dự báo dựa trên khoa học, một cơ sở hạ tầng cảnh báo sớm hoàn chỉnh, kết hợp với khả năng ứng phó của quốc gia và cộng đồng, cùng với những tiến bộ trong hệ thống viễn thông để có thể truyền thông tin đến người dân một cách nhanh chóng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng Điền chủ động phòng, chống thiên tai

“Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” là phương châm của huyện Quảng Điền trong xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của các cấp, các ngành nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Quảng Điền chủ động phòng, chống thiên tai
Chuyển đổi số là giải pháp hữu ích trước biến đổi khí hậu

Đông Nam Á là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa khí hậu. Trong bối cảnh đó, các giải pháp số có thể là chìa khóa giúp khu vực này tăng cường khả năng phục hồi trước những tổn thất kinh tế và các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Chuyển đổi số là giải pháp hữu ích trước biến đổi khí hậu
Quy luật của bão

Trong những ngày bão số 3 (Yagi) hoành hành trên đất Bắc, tôi lại nhớ tới cơn bão số 8 (Celcil) cách đây 39 năm ở Thừa Thiên Huế. Bão số 3 xảy ra ở một nơi xa, chỉ có thể cảm nhận được qua tiết trời xứ Huế vần vũ và nhiều nhất với tôi là những thông tin và hình ảnh từ mạng xã hội. Nó dữ dằn, khốc liệt và đầy tang thương. Bão số 8 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế khi đó còn một bộ phận của tỉnh Bình Trị Thiên. Buổi tối hôm ấy, mẹ con tôi ở quê, cảm nhận được nó từ một góc nhà tối om, nghe tiếng gió rít gào và mái nhà tôn cấp 4 của mình cứ “bưng lên hạ xuống”. Mẹ tôi niệm Phật, van vái ông bà đừng làm sập nhà “mẹ quá con côi” mà thảm lắm.

Quy luật của bão
Chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai

Là địa bàn rộng với đa dạng địa hình, dân cư đông nên để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, TP. Huế triển khai phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) theo từng cấp độ rủi ro đối với các vùng sạt lở núi, bờ sông, bờ biển đến tận thôn, tổ dân phố, hộ dân; đồng thời triển khai phương án cứu hộ, cứu trợ với phương châm không để người dân bị đói, rét sau lũ.

Chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai
Return to top