Người dân mua sắm lương thực tại một khu chợ ở thủ đô Santiago, Chile. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trang web của ADB ngày 19/3 dẫn lời ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch ADB về Quản lý tri thức và Phát triển bền vững cho hay: “Một trong những bài học quan trọng nhất được rút ra từ đại dịch COVID-19 là sự cấp thiết của việc nâng cao nhận thức toàn cầu và xây dựng các hệ thống lương thực bền vững và linh hoạt, trong đó đòi hỏi hành động ở nhiều cấp độ”.
“Chúng ta chắc chắn cần mở rộng quy mô đầu tư công và tư nhân vào hoạt động kinh doanh xanh, chẳng hạn như nông nghiệp sinh thái, kinh tế sinh học tuần hoàn, du lịch sinh thái, và kiểm soát ô nhiễm”, ông Bambang Susantono nói thêm.
Đại dịch COVID-19 đã làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực, làm giảm tình trạng dinh dưỡng ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đồng thời nhấn mạnh những điểm yếu của các chuỗi cung ứng lương thực, cũng như mối liên hệ giữa các hệ thống lương thực và những thách thức phát triển. Bên cạnh đó, khoảng cách lớn về tài chính, ước tính vào khoảng 140 tỷ USD mỗi năm, cũng tạo ra rào cản trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực.
Trước những phát hiện trong một nghiên cứu gần đây của ADB về các hệ thống lương thực bền vững và linh hoạt, tổ chức này đang đa dạng hóa danh mục đầu tư để bao gồm việc chuyển đổi hệ thống lương thực, tận dụng các mối quan hệ đối tác tư nhân và công cộng, đồng thời cung cấp những giải pháp kiến thức đổi mới sáng tạo.
Thông qua một cơ sở tài trợ vốn tự nhiên đổi mới sáng tạo đang được phát triển, ADB sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư theo hướng vốn tự nhiên và cung cấp giải pháp tri thức, bằng cách sử dụng những công cụ hiện có để định lượng giá trị dịch vụ hệ sinh thái của chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, đồng thời tăng cường bồi thường sinh thái, hoặc thanh toán cho các dịch vụ sinh thái, nhằm khuyến khích sự thay đổi hành vi của những nông dân sản xuất nhỏ.
Lê Thảo (Lược dịch từ adb.org)