Ảnh minh hoạ: Reuters/TTXVN
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, “an toàn thực phẩm là một trách nhiệm chung” với mọi người, từ các Chính phủ, ngành công nghiệp và các nhà sản xuất, đến các nhà điều hành kinh doanh và người tiêu dùng.
Đại dịch COVID-19 cũng làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc theo dõi và giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm; thích ứng các hệ thống an toàn thực phẩm để đáp ứng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng; đồng thời đảm bảo sự tiếp tục tiếp cận thực phẩm an toàn.
Ông Markus Lipp, người đứng đầu Đơn vị Chất lượng và An toàn Thực phẩm của FAO nhận định, trong những thời điểm khó khăn này, chủ đề của Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới năm nay là "An toàn thực phẩm, việc phải làm của mọi người" là phù hợp hơn bao giờ hết.
“Bất kể điều gì khác đang xảy ra, mỗi một con người vẫn cần thực phẩm an toàn mỗi ngày”, ông Markus Lipp nói thêm.
Đầu tư cho sức khỏe
Thực phẩm an toàn không chỉ quan trọng đối với sức khỏe và an ninh lương thực tốt hơn, mà còn đối với sinh kế, sự phát triển kinh tế, thương mại và danh tiếng quốc tế của mỗi quốc gia.
“Hàng triệu người trên khắp thế giới phụ thuộc vào thương mại quốc tế vì an ninh lương thực và sinh kế của họ”, Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cho biết trong một tuyên bố chung.
“Trong bối cảnh các quốc gia chuyển sang ban hành các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang lây lan, cần phải chú ý để giảm thiểu những tác động tiềm tàng đối với nguồn cung thực phẩm hoặc hậu quả không lường trước đối với an ninh lương thực và thương mại toàn cầu. Cải thiện các thói quen vệ sinh trong những lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp giúp làm giảm sự xuất hiện và lan truyền của kháng kháng sinh dọc theo chuỗi thức ăn và trong môi trường”, các nhà lãnh đạo giải thích thêm.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có dữ liệu tốt hơn để hiểu được những tác động sâu rộng của thực phẩm không an toàn, WHO và FAO khẳng định rằng, một khoản đầu tư vào giáo dục an toàn thực phẩm người tiêu dùng có khả năng làm giảm những căn bệnh truyền qua thực phẩm và mang về số tiền tiết kiệm lên tới 10 lần cho mỗi USD được đầu tư.
“Chúng ta phải đảm bảo phản ứng của chúng ta đối với đại dịch COVID-19 không vô tình tạo ra sự thiếu hụt không đáng có của các mặt hàng thiết yếu và làm trầm trọng thêm nạn đói và suy dinh dưỡng. Bây giờ là lúc để thể hiện sự đoàn kết, hành động có trách nhiệm và tuân thủ mục tiêu chung của chúng ta về tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, cũng như cải thiện phúc lợi chung của mọi người trên toàn thế giới”, các nhà lãnh đạo của FAO, WHO, và WTO tuyên bố.
Sản xuất thực phẩm
Nhiễm bệnh do thực phẩm bị nhiễm bẩn có tác động lớn hơn nhiều đối với những dân số có sức khỏe kém hoặc yếu ớt, ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người già và những người bệnh sẽ bị nặng hơn, và đôi khi thậm chí dẫn đến tử vong, theo WHO.
Trong khi đó, trong các giai đoạn khác nhau của những chuỗi cung ứng phức tạp ngày nay, cơ hội đối với nhiễm bẩn thực phẩm là thường xảy ra, từ khâu sản xuất tại trang trại đến khâu giết mổ hoặc thu hoạch và trong quá trình chế biến, lưu trữ, vận chuyển và phân phối.
Hơn nữa, toàn cầu hóa sản xuất và thương mại thực phẩm đang làm cho chuỗi thực phẩm lâu hơn, làm phức tạp các cuộc điều tra về sự bùng phát của dịch bệnh do thực phẩm, cũng như việc thu hồi sản phẩm khẩn cấp.
Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của nhiễm bẩn thực phẩm vượt xa các hậu quả trực tiếp đối với sức khỏe cộng đồng, làm suy yếu hoạt động xuất khẩu thực phẩm, du lịch, sinh kế xử lý thực phẩm và phát triển kinh tế ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Để cải thiện an toàn thực phẩm, WHO ủng hộ các phòng ban và các cơ quan Chính phủ khác nhau, bao gồm y tế công cộng, nông nghiệp, giáo dục và thương mại hợp tác với nhau, cũng như tham gia vào xã hội dân sự, bao gồm các nhóm người tiêu dùng.
Giải quyết vấn đề
Để giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm soát chất lượng, các hệ thống phải được tăng cường ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, FAO lưu ý.
Trong số đó, cần sự lãnh đạo trong việc đánh giá và phát triển các hệ thống kiểm soát thực phẩm, bao gồm các khung chính sách và quy định. Quản lý thể chế và cá nhân, bao gồm quản lý các trường hợp khẩn cấp về an toàn thực phẩm. Tư vấn khoa học hợp lý để củng cố các tiêu chuẩn ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Các nền tảng, cơ sở dữ liệu và cơ chế hỗ trợ đối thoại và truy cập thông tin toàn cầu. Thu thập, phân tích và truyền thông của thông tin chuỗi thực phẩm.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)