Thế giới

APEC đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, phục hồi kinh tế bền vững

ClockThứ Ba, 17/11/2020 09:44
Các bộ trưởng kêu gọi tiếp tục thúc đẩy các trụ cột hợp tác về thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm, cân bằng và an toàn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

APEC kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi kỹ thuật sốIMF kêu gọi ASEAN đoàn kết chung tay phục hồi nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dự Hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tối 16/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế (AMM) lần thứ 31 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali.

Tham dự Hội nghị có các bộ trưởng và lãnh đạo các Bộ Ngoại giao và Kinh tế của 21 thành viên APEC, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lãnh đạo Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Tham gia đoàn Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Tại phiên thảo luận quan trọng đầu tiên về "Cải thiện thương mại và đầu tư", các bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, qua đó đóng góp kịp thời vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

APEC cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó có mục tiêu hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Hội nghị nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và ủng hộ nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tại hội nghị, nhiều thành viên đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) vừa được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội nhằm đóng góp thúc đẩy thương mại tự do và mở dựa trên luật lệ cũng như tạo động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Các bộ trưởng dành nhiều thời gian thảo luận về định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới trên cơ sở những thành tựu to lớn đã đạt được sau gần ba thập kỷ kiên trì theo đuổi các Mục tiêu Bogor và trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng và sâu sắc.

Các bộ trưởng nhấn mạnh hướng tới tương lai, APEC cần tiếp tục thúc đẩy các trụ cột hợp tác về thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm, cân bằng và an toàn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

Hội nghị hoan nghênh việc hoàn tất thực hiện chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 để trình lên Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2020 sắp tới.

Trong phiên thảo luận thứ hai về "Bao trùm, Kinh tế số và Sáng tạo bền vững", các Bộ trưởng ủng hộ thúc đẩy nền tảng số, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm, bền vững và sáng tạo. Các Bộ trưởng chỉ đạo cần hành động kịp thời để bảo đảm an sinh-xã hội, nâng cao tính tự cường, thúc đẩy phục hồi kinh tế bao trùm, giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các nền kinh tế đang phát triển.

APEC cần chú trọng an ninh lương thực, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, đại dịch COVID-19 càng cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Hơn bao giờ hết, các thành viên APEC cần đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cùng chung tay đóng góp để châu Á-Thái Bình Dương sớm vượt qua các thách thức hiện nay và tiếp tục dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chính tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng đã giúp ASEAN vững vàng vượt lên những thách thức trong năm qua và tiếp tục tiến lên phía trước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đề nghị APEC tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng kinh tế lấy con người làm trung tâm.

Trong đó, APEC cần đi đầu trong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, hoạt động hiệu quả với việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm bảo đảm tính thích ứng của hệ thống thương mại đa phương trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và chuyển đổi sâu sắc của các mô hình kinh tế, kinh doanh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tin tưởng rằng, với Tầm nhìn tham vọng và mang tính hành động sẽ được các nhà Lãnh đạo APEC thông qua trong vài ngày tới, APEC sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, là động lực quan trọng xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hoà bình, kết nối, tự cường và sáng tạo.

Việt Nam cũng đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm phối hợp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, tăng cường kết nối, bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng, cải cách cơ cấu, kinh tế số nhằm phục hồi kinh tế và nâng cao tính tự cường trước những khủng hoảng và "cú sốc" trong tương lai.

Với chủ trương coi trọng hợp tác đa phương, với vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN năm 2020, chúng ta một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế thúc đẩy và làm sống động hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác APEC.

Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 31 đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế, khẳng định quyết tâm của 21 thành viên APEC tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng và duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong những thập kỷ tới./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định
Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Return to top