Các container hàng hóa tại một cảng biển ở Singapore. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Cụ thể, các nhà phân tích của Ngân hàng Maybank kỳ vọng, GDP của ASEAN-6 sẽ tăng trưởng ở mức 4,9% trong năm nay, nhanh hơn mức tăng trưởng 4,5% của Trung Quốc. Ngoài ra, nếu không tính đến Singapore, tăng trưởng của ASEAN-5 được dự báo sẽ ở mức 5,2%. Các nhà phân tích giải thích, ASEAN đang áp dụng chiến lược “sống chung với COVID-19”, và kết quả là các chỉ số về đi lại phần lớn đã trở về mức trước đại dịch trên khắp khu vực, và lượng du khách cũng đang gia tăng.
Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng, phần lớn trong số 6 quốc gia ASEAN nói trên sẽ tăng trưởng tốt hơn so với Trung Quốc. Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” vừa được công bố, IMF dự báo ASEAN-5 sẽ tăng trưởng ở mức 5,3%, so với 4,4% của Trung Quốc. Phân tích đầy đủ các quốc gia ASEAN-6 cho thấy, Philippines dẫn đầu bảng xếp hạng với mức tăng trưởng dự kiến 6,5%, tiếp theo là Việt Nam (6%), Malaysia (5,6%), Indonesia (5,4%), Singapore (4%), và Thái Lan (3,3%).
Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Tạm thời” cũng dự báo, khu vực ASEAN nói chung sẽ tăng trưởng nhanh hơn (5,2%), so với Trung Quốc (5,1%) trong năm nay.
Bà Sian Fenner, nhà kinh tế hàng đầu tại Công ty tư vấn Oxford Economics lưu ý, có “lý do chính đáng cho triển vọng lạc quan hơn” trong năm nay, sau khi hoạt động kinh tế và chi tiêu trong khu vực này bị gián đoạn vào năm 2021 do biến thể Delta của COVID-19. “Khu vực chuyển sang sống chung với COVID-19, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, và nhu cầu bị dồn nén được giải phóng sẽ hỗ trợ nhu cầu trong nước mạnh mẽ hơn trong năm nay, mặc dù chúng tôi dự kiến lạm phát và chi phí kinh doanh cao hơn sẽ làm giảm bớt phần nào sự phục hồi”, bà Sian Fenner nói thêm.
THANH NGÂN
(Lược dịch từ The Business Times)