Hiệp định RCEP bao gồm sự tham gia của 10 nước thành viên khối ASEAN và 5 quốc gia đối tác. Ảnh minh họa: CPA Vietnam
Hiệp định RCEP bắt đầu có hiệu lực
Chỉ còn vài ngày nữa, thế giới sẽ chào đón năm 2022, với đại dịch COVID-19 cũng bước sang năm thứ 3.
Lễ chào đón năm mới 2022 sẽ có quy mô thu nhỏ ở nhiều nơi, khi sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là số ca nhiễm do biến thể Omicron gây ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các chính phủ thúc đẩy hành động, làm việc cùng nhau để chế ngự đại dịch.
Nhận định về vấn đề nổi bật này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Năm 2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch”.
Về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Được biết, đầu tháng 11/2021, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông báo về việc nhận được văn kiện phê chuẩn hiệp định từ 6 quốc gia thành viên của ASEAN, đó là Bruinei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng như từ 4 nước đối tác bao gồm Australia, Trung Quốc, Indonesia và New Zealand.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, việc hiệp định có hiệu lực mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình thúc đẩy hơn nữa thương mại tự do nội khối, ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp, cũng như thúc đẩy kế hoạch mở rộng cấp cao của Trung Quốc.
Theo đó, hiệp định RCEP đã được nhất trí vào tháng 11/2021 bởi 10 quốc gia thành viên RCEP và 5 nước đối tác. Theo thảo thuận, việc thực thi RCEP sẽ bắt đầu sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 nước trong khối ASEAN và ít nhất 3 nước ngoài khối ASEAN phê chuẩn.
RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao phủ 30% dân số toàn cầu. Khối lượng kinh tế và thương mại của hiệp định cũng chiếm 30% tổng khối lượng của toàn cầu.
Hiệp định RCEP với Campuchia
Đối với Campuchia, kể từ khi nước này đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào tháng 1/2022 và hiệp định RCEP cũng chính thức có hiệu lực, thương mại điện tử sẽ được điều chỉnh bởi một bộ quy tắc mới.
Chương 12 của RCEP kêu gọi xây dựng khuôn khổ cho tự do hóa thương mại trong tương lai. Hiệp định đưa ra các quy tắc cụ thể về thương mại điện tử sẽ hiện đại hóa mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên. Hiệp định bao gồm đa dạng nhiều chủ đề khác nhau, thường là các điều khoản thương mại điện tử tiêu chuẩn tương tự như trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ASEAN+1 khác. Để tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới, RCEP có nghĩa vụ thực hiện “nỗ lực mềm” để thúc đẩy sử dụng và chấp thuận giao dịch không dùng giấy tờ.
RCEP cam kết Campuchia duy trì khuôn khổ pháp lý trong nước chi phối đến các giao dịch điện tử, nhằm phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL về Thương mại điện tử năm 1996, Công ước của Liên Hiệp quốc về sử dụng phương tiện liên lạc điện tử trong hợp đồng quốc tế, hoặc các công ước hiện hành và luật mẫu khác, liên quan đến thương mại điện tử.
RCEP cho phép Campuchia áp đặt bất kỳ hạn chế nào mà họ muốn để đạt được mục tiêu “chính sách công hợp pháp”, miễn là chúng đảm bảo không phân biệt đối xử và được áp dụng bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Có thể nhận định rõ rằng, RCEP được thiết lập để trở thành chất xúc tác cho quá trình phục hồi sau đại dịch trên toàn châu Á. Tầm quan trọng của thị trường kỹ thuật số dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, khi số lượng người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng. Nhiều nhà cung cấp kỹ thuật số đã mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực, bao gồm nhiều siêu ứng dụng lớn nhất thế giới, các nền tảng trực tuyến hoặc ứng dụng di động như Telegram của Nga, WhatsApp của Mỹ, Wechat và Alipay của Trung Quốc, Line của Nhật Bản và Grab của Singapore.
Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật Công nghệ Thông tin - Truyền thông, thương mại điện tử ở Campuchia cũng đang phát triển nhanh chóng. Nếu được quản lý tốt, công nghiệp hóa và đổi mới kỹ thuật số có tiềm năng phát triển trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để những tiềm năng này được thực hiện hóa đầy đủ, Campuchia cần quản lý những vấn đề nhạy cảm như quản trị dữ liệu, quản lý nguồn dữ liệu xuyên biên giới, thu thập và lưu trữ dữ liệu, quyền riêng tư và an ninh mạng.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)