Thế giới

ASEAN: GDP trung bình có thể trở lại mức 8% vào năm 2021

ClockThứ Ba, 09/06/2020 13:58
TTH.VN - Tăng trưởng kinh tế ở khu vực ASEAN có thể trở lại mức trung bình 8% vào năm 2021, nhờ sự phục hồi từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu, sau khi rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020.

Citi cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của ASEAN xuống còn 2,9%ASEAN góp phần thúc đẩy GDP toàn cầuCác nước ASEAN+3 thảo luận phương án phục hồi kinh tế khu vựcNhững thách thức mới đối với ASEAN

Một trung tâm thương mại ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh minh hoạ: THX/ TTXVN

Theo báo cáo do Công ty Tư vấn Tài chính Oxford Economics thực hiện và được ủy quyền bởi Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), hầu hết các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020 trước khi ghi nhận mức giảm 1,9% cho toàn bộ năm nay.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 có khả năng khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm 4,7%, báo cáo cho biết thêm. Sự sụt giảm này lớn hơn gấp đôi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra hồi năm 2008, và sẽ là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hậu chiến tranh.

Oxford Economics cho rằng, Thái Lan sẽ là một trong những nền kinh tế hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á, do du lịch và lữ hành chiếm đến 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này. Mặt khác, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng nhất, với sự dẫn đầu trong các biện pháp nới lỏng so với những quốc gia khác trong ASEAN, mặc dù không thể tránh khỏi sự suy giảm mạnh trong các dòng chảy thương mại.

"Tác động bất lợi đối với các nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ xoay chuyển trong nửa cuối năm 2020, khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu phục hồi với tốc độ ổn định, trong khi tốc độ bình thường hóa chậm hơn sẽ tiếp tục đè nặng lên các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch", báo cáo trên nói thêm; đồng thời lưu ý rằng, các gói kích thích tài chính phối hợp và quyết định nới lỏng tiền tệ từ các chính quyền trong khu vực sẽ hỗ trợ sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế.

Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc nhận định: "Sự phục hồi của chúng ta sẽ cần bao gồm các giải pháp bền vững có lợi cho thiên nhiên, xã hội và nền kinh tế. Khi các quốc gia trong khu vực dần dần nới lỏng những hạn chế phong toả và bắt đầu mở nền kinh tế của họ, các tổ chức và doanh nghiệp sẽ phải thích nghi với một trạng thái “bình thường mới” hướng tới tăng trưởng và hiệu suất bền vững trong thế giới sau đại dịch".

Ông Mark Billington nhấn mạnh rằng, điều tồi tệ nhất có thể đã qua ở Trung Quốc, và sự tăng trưởng dần dần được dự báo ​​cùng sự phục hồi trong tiêu dùng, sự gián đoạn từ phía cung giảm đi, và triển vọng đầu tư được cải thiện, đặc biệt là trong cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp mới, tất cả đều được hỗ trợ bởi những chính sách mạnh mẽ của Chính phủ nước này.

Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng là một dấu hiệu cho thấy, các nền kinh tế khác trong khu vực sẽ hồi phục theo thời gian. Tuy nhiên, bất kỳ sự phục hồi nào trong nửa cuối năm 2020 dường như cũng không thể bù đắp cho hoạt động bị mất đi trong nửa đầu năm nay. Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc nói thêm rằng, GDP toàn cầu chỉ được dự báo ​​sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào giữa năm 2021.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Business Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Return to top