|
Bão Yagi gây ngập lụt do mưa lớn tại Cainta, tỉnh Rizal, Philippines. Nguồn: AP/NLD |
Với nguồn cung độ ẩm khí quyển cao kỷ lục trên toàn cầu, một loạt các trận lũ thảm khốc đã tấn công nhiều vùng của Bắc bán cầu trong những ngày qua.
Lũ lụt do mưa lớn bất thường kéo dài trên khắp Tây Bắc và Bắc Trung Phi đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Bão Boris, một áp thấp di chuyển chậm, đã gây ra nhiều ngày mưa lớn, với một số nơi ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua, đã gây thiệt hại hàng tỷ USD và làm ít nhất 22 người thiệt mạng, trong khi hàng chục nghìn người khác phải sơ tán khỏi các thành phố bị ngập lụt trên khắp Trung Âu.
|
Ngập lụt tại Klodzko, Ba Lan ngày 15/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN |
Bão Yagi, tấn công Philippines và miền bắc Việt Nam, sau đó kéo theo độ ẩm trên khắp vùng cao nguyên Đông Nam Á, đã gây lũ lụt và lở đất khiến hơn 500 người thiệt mạng và gây thiệt hại hơn 13 tỷ USD.
Mưa lớn trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9 đã gây ra lũ lụt thảm khốc ở Tây và Trung Phi, ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người ở 14 quốc gia. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, lũ lụt đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nạn đói trong khu vực vốn đã ảnh hưởng đến 55 triệu người, cao gấp 4 lần so với 5 năm trước. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, ít nhất 1.096 người đã thiệt mạng tại 5 quốc gia gồm Chad, Nigeria, Niger, Mali và Cameroon.
Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thời tiết chết người trên thế giới.
Mặc dù công nghệ dự báo thời tiết gần đây đã được cải thiện và nhận thức về thảm họa cũng như các nỗ lực chuẩn bị ứng phó đã được tăng cường, nhưng châu Phi vẫn phải hứng chịu số lượng thảm họa liên quan đến thời tiết gây chết người cao kỷ lục trong 2 năm qua. Lũ lụt năm nay là thảm họa liên quan đến thời tiết thứ tám khiến ít nhất 500 người châu Phi thiệt mạng kể từ năm 2022. Điều này cho thấy chỉ trong vòng 2 năm, khu vực này đã phải đối mặt với 27% số thảm họa liên quan đến thời tiết gây chết người nhất trong số 30 thảm họa loại này của châu lục kể từ năm 1900.
Con số đáng lo ngại này cũng có thể là điềm báo cho tương lai, vì mức độ dễ bị tổn thương cao hơn, dân số ngày càng tăng và nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu gây ra đã làm gia tăng các thảm họa chết người.
Tiếp đó, sau khi quét qua Philippines, bão Yagi đổ bộ vào đất liền ngày 7/9 ở gần Hải Phòng, Việt Nam, với cường độ bão cấp 4, sức gió 130 dặm/giờ và áp suất trung tâm là 933 mb, Trung tâm Cảnh báo bão LHQ cho biết. Yagi là cơn bão cấp 4 và có thể mạnh hơn nữa đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam kể từ khi có số liệu thống kê từ năm 1945. Trước bão Yagi, Việt Nam chỉ hứng chịu 6 cơn bão cấp 3, trong đó mạnh nhất là cơn bão Lola năm 1993 (sức gió 120 dặm/giờ).
Thiệt hại về kinh tế và con người do bão Yagi gây ra là rất lớn. Theo Reuters, cơn bão đã giết chết 291 người ở Việt Nam, 38 người vẫn đang mất tích. Phần lớn thiệt hại là do mưa lớn ở phía bắc đất nước. Trong khi đó tại Myanmar, ít nhất 226 người đã chết do lũ lụt và lở đất, 77 người khác mất tích và thiệt hại về kinh tế vẫn chưa được xác định.
Theo Chính phủ Việt Nam, Yagi đã gây thiệt hại cho Việt Nam ít nhất 2 tỷ đô la, khiến đây trở thành cơn bão tốn kém nhất trong lịch sử đất nước.
Cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Yagi là tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, nơi đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong và thiệt hại vượt quá 11 tỷ đô la. Theo EM-DAT, điều này khiến Yagi trở thành cơn bão gây thiệt hại lớn thứ 3 trong lịch sử Trung Quốc, chỉ sau bão Doksuri năm 2023 (thiệt hại 25 tỷ USD) và bão Lekima năm 2019 (thiệt hại 12 tỷ USD).
Tiếp sau đó, một luồng áp thấp lạnh mạnh bất thường đã đổ bộ vào Nam Âu vào cuối tuần trước, kích hoạt sự hình thành của một bề mặt áp thấp mạnh trên Biển Địa Trung Hải ở phía nam Genoa, Italy và phát triển thành bão Boris. Chuyển động rất chậm của Boris, với sự xung đột giữa đợt không khí lạnh mạnh bất thường ở Tây Âu và không khí đặc biệt nóng, ẩm ướt ở phía đông đã mang đến lượng mưa cực lớn và gây ra lũ lụt tàn khốc ở một phần Trung Âu. Tại Ba Lan, Romania, Áo, Cộng hòa Séc, Đức và Slovakia, lũ lụt khiến hàng chục nghìn người đã phải sơ tán và ít nhất 22 người đã thiệt mạng.
“Những trận lũ lụt này là lời nhắc nhở rõ ràng về mối đe dọa ngày càng tăng của các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra”, ông Sissi Knispel de Acosta, Tổng thư ký của Liên minh nghiên cứu khí hậu châu Âu, nhấn mạnh.