Thế giới
LŨ LỤT TẠI CHÂU Á:

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng khu vực nặng nề nhất

ClockChủ Nhật, 11/10/2020 10:50
TTH - Tạp chí Nikkei Asia ngày 6/10 có bài viết cho hay, một dự báo lâu đời về khu vực đông dân nhất thế giới cuối cùng cũng hiện hữu. Từ Trung Quốc, Ấn Độ, đến Việt Nam, hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ kinh tế do lũ lụt trong những năm tới.

Đông Nam Á: Tác động của biến đổi khí hậu nặng nề hơn khu vực khác

Ngập lụt sau những trận mưa lớn ở Bangladesh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ông Homero Paltan Lopez, chuyên gia và nhà nghiên cứu về nước tại Đại học Oxford (Anh) nhận định: “Có một sự nhất quán trong các mô hình rằng, biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến lũ lụt nhiều hơn, và những mùa mưa dữ dội hơn”. Sự biến đổi như vậy được cho là sẽ ảnh hưởng đến gió mùa theo mùa của khu vực, làm cho lượng mưa trong mùa mưa tập trung hơn, trong khi mùa khô trở nên dài hơn. Đó chính xác là những gì đang xảy ra và đang cướp đi nhiều sinh mạng.

Bà Nobiron, một cư dân sống gần sông Brahmaputra ở phía bắc Bangladesh đã chứng kiến ​​ngôi nhà và tất cả tài sản của mình bị phá hủy khi lũ lụt quét qua ngôi làng của bà hồi tháng 6 và tháng 7. “Tôi chưa bao giờ phải chịu đựng sự mất mát như vậy vì lũ lụt trong cuộc đời mình”, bà Nobiron chia sẻ.

Bangladesh đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong năm nay; có thời điểm, 1/3 diện tích của quốc gia này bị ngập lụt. “Trong những năm gần đây, tần suất lũ lụt bất thường ở Bangladesh tăng lên đáng kể, gây thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng và tài sản. Những trận lũ gần đây cho thấy tần suất và cường độ gia tăng của nguy cơ lũ lụt và xói mòn sông ở Bangladesh trong những năm tới”, ông Kaiser Rejve, Giám đốc Tổ chức Nhân đạo CARE Bangladesh cho hay.

Tuy nhiên, đây là hiện tượng được ghi nhận trên toàn khu vực. Kể từ tháng 6 năm nay, lượng mưa cực đoan đã dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi tại Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ và Ấn Độ, hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng.

Đáng chú ý, tác động kinh tế do lũ lụt ở châu Á lớn hơn bất kỳ nơi nào khác, một báo cáo của Công ty McKinsey Global Institute vào tháng 8 đã nêu bật rủi ro. “Đến năm 2050, 75% vốn cổ phần toàn cầu đối mặt với nguy cơ lũ lụt sẽ ở châu Á. Tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lãnh thổ ven biển Đông Nam Á sẽ hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Ruslan Fakhrutdinov, một cộng sự của McKinsey Global Institute nói thêm.

Các dữ liệu khác cũng vẽ ra một bức tranh tương tự. Một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Nature Communications hồi năm ngoái ước tính, 300 triệu người sống ở những nơi mà lũ lụt do khí hậu có khả năng sẽ xảy ra vào năm 2050, với hầu hết những nơi dễ bị tổn thương ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, và Việt Nam.

Một nghiên cứu hồi tháng 7 trên Tạp chí Scientific Reports cho thấy, trong khi nguy cơ lũ lụt đang gia tăng trên toàn cầu, mật độ dân số và mức độ lớn hơn của các cộng đồng ven biển của châu Á đồng nghĩa rằng, phần lớn dân số có nguy cơ cao trên toàn cầu trong 80 năm tới sẽ ở lục địa này.

Ông Abhas K. Jha, thuộc chương trình Quản lý Rủi ro Thiên tai và Đô thị của Ngân hàng Thế giới (WB) tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: “Khoa học ngày càng trở nên chính xác hơn. Một điều mà chúng tôi biết chắc rằng, những nơi ẩm ướt sẽ ẩm ướt hơn, và những nơi khô sẽ khô hơn”.

Chỉ riêng ở Trung Quốc, 2,7 triệu người đã phải sơ tán và ước tính có khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng trong năm 2020. Tổng cộng 53 con sông hiện đang ở trong hoặc gần mực nước cao lịch sử và các đập ở lưu vực sông Trường Giang gần hoặc cao hơn dung tích, gây ra lũ lụt tồi tệ nhất ở phía nam Trung Quốc, ít nhất kể từ năm 1961.

Trong khi đó, ở Nam Á, 17 triệu người bị ảnh hưởng trong năm nay và tình hình có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi lượng mưa lớn được dự báo ở nhiều khu vực của châu Á trong mùa này.

Khoa học và mô hình hóa khí hậu đã được cải thiện, để các nhà khoa học ngày càng tự tin có thể ước tính mức độ mà các sự kiện liên quan đến thời tiết cụ thể bị ảnh hưởng, hoặc tác động của chúng bị thay đổi do biến đổi khí hậu.

Mặc dù rủi ro về lượng mưa cực đoan có thể tăng lên, nhưng không có nghĩa là năm nào cũng có lũ lụt. Ông Homero Paltan Lopez cho rằng: “Đó không chỉ là lũ lụt, mà còn là một chu kỳ nước biến đổi hơn hoặc khó dự báo hơn, những người đưa ra quyết định không nên ngạc nhiên nếu mưa ít hơn trong đợt gió mùa năm sau”.

Hiện nay, hầu hết sự chú ý của toàn cầu về khí hậu tập trung vào việc giảm nhẹ, cắt giảm phát thải khí nhà kính để giảm tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Châu Á chiếm phần lớn tổng lượng khí thải carbon toàn cầu, một tỷ lệ đang ngày càng gia tăng. Theo ông Ruslan Fakhrutdinov, đối với lũ lụt, việc giảm nhẹ trong ngắn hạn và trung hạn có ít tác động vì có khả năng lượng khí thải trong quá khứ sẽ dẫn đến lượng mưa dữ dội và mực nước biển dâng liên quan đến biến đổi khí hậu, cả hai yếu tố này đều làm cho ngập lụt dễ xảy ra hơn. Ngoài ra còn có các yếu tố phi khí hậu, chẳng hạn như di cư và phát triển, ảnh hưởng đến tác động kinh tế và xã hội của lũ lụt.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei Asia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Top 5 khu vực nên lựa chọn thuê nhà nguyên căn kinh doanh ở Quận 3

Nhu cầu tìm cho thuê nhà nguyên căn Quận 3 tăng mạnh mẽ trong năm 2024. Không chỉ vì đây là nơi có nhiều tiện ích hiện đại, thuận tiện cho việc sinh sống mà còn bởi vì tiềm năng kinh doanh lớn của Quận 3. Bài viết này sẽ gợi ý bạn 5 khu vực nên thuê nhà nguyên căn để kinh doanh ở Quận 3.

Top 5 khu vực nên lựa chọn thuê nhà nguyên căn kinh doanh ở Quận 3
Return to top