Thế giới

Biến đổi khí hậu đứng sau các mô hình mưa bất thường ở châu Âu

ClockThứ Tư, 01/06/2022 15:22
TTH.VN - Tạp chí Bloomberg vừa trích dẫn một nghiên cứu mới, lần đầu tiên cho thấy, khí thải nhà kính chịu trách nhiệm trực tiếp cho các đợt mưa và khô cằn cực đoan trên khắp lục địa châu Âu vào mùa đông.

Thế giới đối mặt mùa hè 'đổ lửa': Trời nóng nực, mất điện thường xuyênBiến đổi khí hậu khiến nắng nóng ở Ấn Độ xảy ra thường xuyên hơn gấp 100 lần

Ngập lụt sau mưa lớn tại Vương quốc Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, một nghiên cứu do Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) thực hiện đã chỉ ra rằng, phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khô cằn kéo dài ở lưu vực Địa Trung Hải, và lượng mưa ngày càng gia tăng trên khắp phần còn lại của khu vực châu Âu trong mùa đông.

Trong một tuyên bố, Met Office cho hay, nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Journal of Climate, đây cũng là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa các xu hướng lượng mưa theo mùa ở châu Âu và vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, các nhà khoa học đã so sánh những kịch bản khí hậu khi có và không có sự ảnh hưởng của con người.

Ông Nikos Christidis, tác giả chính và nhà khoa học khí hậu của Met Office khẳng định: “Thông qua việc xác định rõ ràng vai trò của khí nhà kính, nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy những thay đổi đối với các mô hình mưa ở khu vực châu Âu sẽ tiếp tục khi bầu khí quyển ấm lên. Mặc dù các quốc gia đã quen với những kiểu khí hậu cực đoan này, sự gia tăng về tần suất, mức độ nghiêm trọng và cường độ sẽ đòi hỏi sự thích nghi cao hơn trước một kiểu khí hậu mới”.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lưu ý, biến đổi khí hậu do con người gây ra có ảnh hưởng đến các mô hình mưa trên đất liền, theo kết luận của báo cáo mới nhất từ ​​Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc (IPCC). Tuy nhiên, các tác động khu vực của xu hướng toàn cầu này khó phát hiện hơn, khiến việc đưa ra chiến lược giảm thiểu, nhằm hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và môi trường cũng trở nên khó khăn hơn.

Được biết, nghiên cứu nói trên đã tiến hành xem xét lượng mưa theo mùa ở khu vực châu Âu kể từ đầu thế kỷ 20. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, lưu vực Địa Trung Hải đang trở nên khô cằn hơn, trong khi phần còn lại của lục địa châu Âu đang trở nên ẩm ướt hơn. Xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn vào mùa đông và yếu hơn trong mùa hè, khi điều kiện khô cằn phổ biến hơn trên khắp châu Âu.

Cũng theo phát hiện được trích dẫn trong nghiên cứu, khi hành tinh ấm lên, nước bốc hơi và hơi nước gia tăng ở mức 6-7%. Độ ẩm trong không khí cao hơn dẫn đến sự thay đổi của các mô hình mưa. Những phát hiện của Met Office phù hợp với các nghiên cứu phân bổ về những sự kiện đơn lẻ, chẳng hạn như lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại Đức hồi năm ngoái. Việc con người phát thải khí nhà kính đang làm cho những sự kiện thời tiết như vậy trở nên khắc nghiệt hơn và thường xuyên hơn.

Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Return to top