Thế giới

Biến đổi khí hậu làm tăng 25% nguy cơ cháy rừng dữ dội

ClockThứ Năm, 31/08/2023 14:30
TTH.VN - Biến đổi khí hậu đã làm tăng mạnh nguy cơ lan rộng nhanh chóng của các vụ cháy rừng, một nghiên cứu mới được công bố ngày 30/8 cho biết, đồng thời đưa ra những bài học để phòng ngừa sau những thảm họa cháy rừng gần đây ở Canada, Hy Lạp và Hawaii.

Sóng nhiệt nguy hiểm tấn công toàn cầu khi cháy rừng hoành hànhEU cử gần 300 lính cứu hỏa hỗ trợ Canada đối phó với cháy rừngCháy rừng và ô nhiễm không khí nghiêm trọng chưa từng có tại Lào

Một vụ cháy rừng dữ dội tại cộng đồng Prattville ở hạt Plumas, California (Mỹ) năm 2021. Ảnh: AFP/TTXVN 

Các nhà khoa học tại Breakthrough Institute - một trung tâm nghiên cứu môi trường phi lợi nhuận ở California (Mỹ), phát hiện ra rằng sự nóng lên do con người gây ra đã làm tăng tần suất các vụ cháy rừng “cực đoan” lên trung bình 25% so với thời kỳ tiền công nghiệp, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature nêu rõ.

Xem xét một loạt các đám cháy từ năm 2003 đến năm 2020, các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên hệ giữa sự gia tăng nhiệt độ trung bình, điều kiện khô hạn và những đám cháy lan nhanh nhất – những đám cháy thiêu đốt hơn 10.000 mẫu Anh (4.000 ha) mỗi ngày. Kết quả cho thấy các đám cháy chịu tác động khác nhau của các kiểu thời tiết khác nhau do biến đổi khí hậu.

Nguy cơ cháy rừng tăng cao

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nguy cơ cháy rừng có thể tăng trung bình 59% vào cuối thế kỷ này theo kịch bản “phát thải thấp”, trong đó sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,8 độ C so với mức tiền công nghiệp. Nguy cơ này có thể tăng lên tới 172% trong kịch bản phát thải cao không được kiểm soát.

Hiện nay, bề mặt Trái đất đã ấm lên 1,2 độ C.

Sử dụng dữ liệu từ các vụ cháy được ghi lại, các nhà nghiên cứu đã đo được khả năng khi nào một ngọn lửa nhất định sẽ biến thành một đám cháy “cực đoan”. Sau đó, họ sử dụng các mô hình đặc thù để tính toán mức độ tác động của sự gia tăng nhiệt độ thời hậu công nghiệp đến nguy cơ cháy rừng.

Nghiên cứu đã kiểm soát các biến số như lượng mưa, gió và độ ẩm tuyệt đối và các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những thay đổi trong những yếu tố này có thể khiến nguy cơ nóng lên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Trong những năm gần đây, California đã phải hứng chịu một loạt các vụ cháy rừng nghiêm trọng. Năm 2020, hơn 30 người thiệt mạng và 4 triệu mẫu Anh bị ngọn lửa thiêu rụi trong một số vụ cháy lớn nhất trong lịch sử bang. Trước đó, vụ cháy rừng tháng 11/2018 đã cướp đi sinh mạng của 86 người.

Nghiên cứu trên được công bố sau một mùa cháy rừng nghiêm trọng đã giết chết ít nhất 115 người ở Hawaii và buộc 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở Canada.

Trong khi đó, Hy Lạp hiện đang phải chiến đấu với vụ cháy rừng lớn nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay ở Liên minh châu Âu. Đám cháy đã thiêu rụi diện tích lên tới ít nhất hơn 800 km2, tức lớn hơn thành phố New York (Mỹ), và làm ít nhất 20 người tử vong.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) năm 2022 về cháy rừng cho biết cháy rừng đang trở nên phổ biến hơn do điều kiện nóng hơn, khô hơn do biến đổi khí hậu gây ra, kể cả ở những khu vực vốn có truyền thống không dễ xảy ra cháy rừng.

Phóng ngừa cháy rừng

Nhà nghiên cứu tự nhiên Brown cho biết những hiểu biết sâu sắc về ngưỡng khô hạn có thể hỗ trợ các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như bằng cách chỉ ra những điểm tốt nhất để tỉa thưa và quy định đốt rác thực vật để giảm các chất khô tự nhiên mà cháy rừng dễ lan vào – thường được gọi là nhưng “nhiên liệu nguy hiểm”.

“Chúng tôi nhận thấy rằng trong hầu hết các điều kiện, tác động của việc cắt giảm nhiên liệu nguy hiểm có thể vô hiệu hóa hoàn toàn tác động của biến đổi khí hậu”, ông Brown nói, và nhấn mạnh nếu chúng ta tiến hành các phương pháp xử lý nhiên liệu này trên quy mô lớn, chúng ta sẽ đối mặt ít nguy cơ cháy rừng hơn nhiều, bất chấp biến đổi khí hậu.

Những phát hiện này có thể giúp đưa ra các biện pháp phòng ngừa hợp lý liên quan đến đường dây điện, chỉ ra nơi cần tập trung các chiến dịch giám sát và nâng cao nhận thức, cũng như triển khai các nguồn lực chữa cháy.

Các chuyên gia về cháy rừng cho biết nhận thức về nguy cơ hỏa hoạn sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với chính quyền và thậm chí là cả những người đi nghỉ mát.

Trong một cuộc họp của các chuyên gia về cháy rừng, đại diện cơ quan khoa học quốc gia CSIRO của Australia cho biết chi tiêu cho việc ứng phó với các vụ cháy rừng thường “sai hướng” khi không có đủ tiền phân bổ để ngăn chặn các vụ cháy rừng. Do đó, cần tái cân bằng chi tiêu để cải thiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, ví dụ như quản lý thảm thực vật và dự báo nguy cơ hỏa hoạn.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top