Thế giới

Biến đổi khí hậu tác động không cân xứng đến phụ nữ nông thôn

ClockChủ Nhật, 10/03/2024 06:57
TTH - Các cộng đồng nông thôn trên toàn thế giới đang phải vật lộn với những thách thức ngày càng tăng do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra. Khi thiên tai xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, các điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt hơn, gánh nặng đối với những cộng đồng này càng tăng lên. Tuy nhiên, phụ nữ là người phải chịu gánh nặng nặng nề nhất từ những tác động này, bao gồm cả những tổn thất đáng kể về tài chính.

NASA dự định bơm hàng triệu tấn băng vào bầu khí quyển Trái đất để đối phó với biến đổi khí hậuADB sẽ tăng tỷ trọng các khoản vay khí hậu lên 55%

Nông dân trồng lúa trên một cánh đồng ở tiểu bang Assam, Ấn Độ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN 

Theo một báo cáo mới được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) công bố, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng không cân xứng đến thu nhập của phụ nữ nông thôn, cũng như người nghèo và người già. Đây cũng là những người có ít khả năng thích ứng nhất với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Tác động mạnh mẽ

Báo cáo của FAO nhấn mạnh một thực tế là hàng năm, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nữ chủ hộ ở khu vực nông thôn phải chịu tổn thất tài chính lớn hơn đáng kể so với nam giới. Tính trung bình, các hộ có chủ hộ là nữ giới mất thu nhập nhiều hơn 8% do tình trạng căng thẳng về nhiệt độ, và nhiều hơn 3% do lũ lụt so với các hộ có chủ hộ là nam giới.

Điều này tương đương với mức giảm đáng kể về thu nhập bình quân đầu người, ở mức 83 USD do tình trạng căng thẳng về nhiệt độ và 35 USD do lũ lụt, tổng cộng lần lượt là 37 tỷ USD và 16 tỷ USD ở các quốc gia nghèo nhất.

Trong khi đó, nếu nhiệt độ trung bình chỉ tăng 1 độ C, những người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với mức giảm tổng thu nhập lớn hơn đến 34% so với nam giới. Nghiên cứu cho thấy, nếu không được giải quyết, biến đổi khí hậu sẽ làm mở rộng đáng kể khoảng cách này trong những năm tới.

Được biết, báo cáo của FAO đã sử dụng dữ liệu từ 24 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên khắp 5 khu vực, và dữ liệu khí hậu hàng ngày trong 70 năm, đồng thời kết hợp với thu nhập của hơn 100.000 hộ gia đình.

“Sự khác biệt xã hội dựa trên vị trí, sự giàu có, giới tính và tuổi tác có tác động mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa được hiểu rõ, đến tính dễ bị tổn thương của người dân nông thôn trước sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu”, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu nhận định.

Những phát hiện này nêu bật nhu cầu cấp thiết phải dành nhiều nguồn lực tài chính và sự chú ý chính sách hơn đối với các vấn đề về tính toàn diện và khả năng phục hồi trong các hành động khí hậu ở cấp quốc gia và trên toàn cầu, ông Qu Dongyu nói thêm.

Có thể làm gì để thay đổi điều này?

Khi được hỏi về giải pháp cho vấn đề này, bà Lauren Phillips, Phó Giám đốc Ban Chuyển đổi nông thôn và Bình đẳng giới của FAO cho hay: “Chúng tôi có rất nhiều công cụ để sử dụng, và có một số biện pháp chính sách thành công. Chẳng hạn như, việc tăng cường đăng ký và sự tiếp cận của phụ nữ với đất đai giúp mang lại nhiều lợi ích cho năng suất nông nghiệp; có thể làm giảm bạo lực trên cơ sở giới trong các hộ gia đình và cải thiện dinh dưỡng gia đình”.

Trên thực tế, FAO đã ước tính, việc thu hẹp khoảng cách lao động và năng suất giữa nữ giới và nam giới có thể tác động đáng kể đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và giảm tình trạng mất an ninh lương thực cho 45 triệu người. “Những thành tựu này có thể thực hiện được, vì chúng tôi biết những cách tiếp cận thành công để trao quyền cho phụ nữ trong các hệ thống nông sản thực phẩm”, bà Lauren Phillips giải thích.

Bên cạnh đó, các dự án và chính sách tập trung vào trao quyền có thể cải thiện đáng kể khả năng phục hồi trước các cú sốc khí hậu và những cú sốc khác. Ước tính các dự án trao quyền có thể giúp thêm 235 triệu gia đình có khả năng phục hồi cao hơn trước những cú sốc như vậy. Do đó, giải quyết những khoảng cách này và thúc đẩy trao quyền đóng vai trò rất quan trọng để giúp các gia đình và phụ nữ trở nên kiên cường hơn trước biến đổi khí hậu.

Cũng theo bà Lauren Phillips, FAO đang phối hợp với các cơ quan khác của Liên hiệp quốc ở nhiều quốc gia khác nhau để thực hiện những dự án cung cấp đào tạo và nâng cao năng lực tốt hơn cho phụ nữ. Các dự án này nhằm mục đích giúp phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hệ thống và chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, cũng như tiếp cận các công nghệ có thể giải quyết những khoảng cách đã được đề cập trước đó.

Lê Thảo

(Lược dịch từ UN News & FAO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Return to top