Là người đã từng chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon nhận thức rõ tình hình hiện nay là một thách thức toàn cầu, không biên giới và vượt quá khả năng giải quyết của bất kỳ một quốc gia hay tổ chức đơn lẻ, ông Ban kêu gọi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo thế giới lần đầu tiên, sẽ diễn ra trong ngày 23-24/5 tới tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị sẽ là cơ hội cho các nhà lãnh đạo của các chính phủ, các tổ chức viện trợ, các cộng đồng ảnh hưởng trong khủng hoảng... ngồi lại cùng nhau và cam kết hành động để ngăn chặn và chấm dứt khổ đau cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng trong tương lai và thảo luận các vấn đề tài chính để giúp đỡ những người cần viện trợ.
Hội nghị thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới lần đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 23-24/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: UN
Chương trình nghị sự Hội nghị vạch ra 5 lĩnh vực khác nhau mà qua đó, thế giới cần có hành động chung để giải quyết.
1. Ngăn chặn và chấm dứt xung đột
Trừ khi các nhà lãnh đạo chính trị quyết tâm ngăn chặn và chấm dứt các cuộc khủng hoảng, sẽ không có nhiều thay đổi khả quan cho hàng triệu trẻ em, phụ nữ và những người đàn ông đang bị cuốn vòng xoáy khủng hoảng. Lãnh đạo các nước, bao gồm cả những thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ phải đặt tính nhân đạo và can đảm lên hàng đầu khi đưa ra những quyết định chung, đồng thời cần phân tích nguy cơ và hành động sớm để ngăn chặn xung đột từ trong trứng nước.
Cơ quan Điều phối nhân đạo LHQ (OCHA) trích dẫn chia sẻ của ông Abu Mohamed, một cựu kỹ sư người Yemen – quốc gia đang chìm trong xung đột, như một lời kêu gọi, nói rằng “an toàn là thứ duy nhất chúng tôi cần. Tất cả những điều khác đều không quan trọng”, “hãy tưởng tượng con bạn đang ở ngay trước mặt. Nó đói, nhưng bạn không thể cho con được ăn no. Nó sợ hãi, nhưng bạn cũng không thể bảo vệ được. Người dân Yemen đang tuyệt vọng và cần được giúp đỡ. Chúng tôi cần thế giới quan tâm và cần cộng đồng quốc tế ngăn chặn cuộc xung đột này”.
2. Tôn trọng luật nhân đạo
Trên lý thuyết, có những điều luật về quyền con người và các vấn đề nhân đạo quốc tế trong chiến tranh mà hầu hết các nước đều đã đồng ý ký kết. Nhưng trừ khi các điều luật đó được tôn trọng và được giám sát bởi các bên chiến đấu nhà nước và phi nhà nước, và trừ khi những kẻ vi phạm sẽ bị trừng phạt mỗi khi phá vỡ cam kết, nếu không dân thường vẫn sẽ tiếp tục là nạn nhân chủ yếu trong các cuộc xung đột; nhiều cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện, trường học, nhà dân...cũng sẽ tiếp tục bị phá hủy. Do đó, mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo sắp tới là thúc đẩy các nước tôn trọng luật nhân đạo, để ngăn chặn người dân rơi vào bẫy của các bên tham chiến.
3. Không bỏ mặc những người dễ bị tổn thương
Với những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới - khi buộc phải di dời để chạy trốn chiến tranh, rời bỏ nhà cửa do hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, các nước cần hành động để đảm bảo rằng không ai trong số những người này sẽ bị bỏ mặc, và các nước nghèo nhất thế giới sẽ là mục tiêu của các chương trình phát triển. Phải có nỗ lực chung để phụ nữ và trẻ em được trao quyền và được bảo vệ, và tất cả trẻ em, cho dù ở các vùng xung đột hoặc di dời, vẫn có thể đến trường. Tất cả điều này đều có thể trở thành hiện thực nếu các nhà lãnh đạo kiên quyết thực hiện các cam kết.
4. Có sự chuẩn bị trước khủng hoảng
Thiên tai có thể ập xuống bất ngờ, nhưng có nhiều cuộc khủng hoảng chúng ta vẫn có thể dự đoán được để phản ứng. LHQ cho rằng, cần làm việc với các cộng đồng có nguy cơ cao để giúp họ chuẩn bị cách ứng phó với các cuộc khủng hoảng, để giảm thiểu rủi ro và những tổn thương ở quy mô toàn cầu.
Tổ chức Phụ nữ LHQ trích dẫn câu chuyện của chị Nguyen Ranh, một nữ nông dân Việt Nam như một minh chứng thành công khi có sự chuẩn bị trước thiên tai, nói rằng, biến đổi khí hậu đang tác động đến hàng triệu người dân ở nông thôn Việt Nam, trong đó nhiều phụ nữ Việt Nam nói riêng đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.
Chị Ranh và hàng xóm đã gia nhập Hội Liên hiệp Phụ nữ và làm việc với Tổ chức Phụ nữ LHQ để tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai “Năm ngoái, chúng tôi đã chuẩn bị tốt cho gia đình và làng xóm trước khi bão đến... Nhờ đó, không ai trong làng thiệt mạng hay bị thương nặng trong mùa mưa bão đó. Cây trồng, gia cầm và gia súc cũng được cứu sống”.
5. Đầu tư cho các vấn đề nhân đạo
Theo OCHA, nếu muốn thực hiện trách nhiệm với những người dễ bị tổn thương, các nước cần phải đầu tư cả về chính trị và tài chính. Điều đó có nghĩa là không chỉ tăng kinh phí để đáp ứng nhu cầu, mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng nếu cuộc xung đột kéo dài, cũng như cần nhiều nỗ lực để xây dựng hòa bình. Theo đó, trong Hội nghị sắp tới, LHQ muốn đẩy mạnh phản ứng của địa phương thông qua việc tài trợ nhiều hơn cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các quỹ gộp, đồng thời nhấm mạnh nhu cầu sáng tạo về cách tài trợ, sử dụng vốn vay, trái phiếu và các cơ chế bảo hiểm khác nhằm giúp đỡ các nước một cách hiệu quả.
Với sự tham dự của hơn 80 quốc gia (tính đến đầu tháng 5/2016), Hội nghị Nhân đạo Thế giới sắp tới được cho là sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa một thế giới hiện thực và kỳ vọng các thế giới đó là gì và thế giới mà nên được; là cơ hội để để các nhà lãnh đạo cùng nhau tìm ra giải pháp tốt hơn nhằm giải quyết những thách thức phải đối mặt và nhằm giảm bớt khổ đau cho những người đang phải chịu nhiều ảnh hưởng từ xung đột và thiên tai trên toàn thế giới.
TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ OCHA, AP & Unicef)