ClockThứ Năm, 28/01/2016 09:04

Châu Á đối mặt với thời tiết giá lạnh

TTH.VN - Các nước châu Á đang hứng chịu đợt lạnh tồi tệ nhất lịch sử với hơn 100 người tử vong và hàng trăm người bị thương. Thời tiết giá lạnh bất thường trải dài từ Siberia, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Ấn Độ, Bangladesh, Lào, Thái Lan, Myanmar, Philippines và Việt Nam… gây ra nhiều thiệt hại nặng nề...

Thời tiết giá lạnh bất thường càn quét hầu hết châu Á, nhất là khu vực Đông Á bắt đầu vào cuối tuần qua được các chuyên gia khí tượng nhận định là do lốc xoáy vùng cực bắt nguồn từ Siberia kéo xuống phía nam Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia trong khu vực hứng chịu đợt lạnh kỷ lục.

Giám đốc Đài quan sát khí tượng Trung Quốc Sun Jun cho biết, luồng không khí lạnh bất thường tràn xuống phía nam nước này bắt nguồn từ sự gia tăng nhiệt độ ở Bắc Cực. Theo ông Sun Jin, nhiệt độ ở Bắc Cực tăng cao đột ngột tạo nên sức ép đẩy các xoáy cực về phía nam, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Á.

Tuyết rơi phủ trắng Sapa, Việt Nam. Ảnh: Internet

Sản xuất tê liệt

Từ ngày 22-24/1, toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc đối mặt với mức nhiệt độ thấp lịch sử. Trong đó, tỉnh Hà Bắc có nhiệt độ giảm xuống -41 độ C. Bên cạnh đó, nhiệt độ ở Đài Loan hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 44 năm qua. Hồng Kông ghi nhận nhiệt độ thấp nhất trong gần 6 thập kỷ. Miền tây và miền trung Nhật Bản đón nhận nhiều trận tuyết lớn làm ít nhất 5 người thiệt mạng. Thậm chí ở thủ đô Bangkok, Thái Lan nhiệt độ cũng giảm xuống chỉ còn 16 độ C, trong khi nhiệt độ bình thường ở đây ít khí đạt dưới mức 20-25 độ C.  

Ngoài ra, không khí lạnh cũng ảnh hưởng đáng kể tới khu vực miền bắc Ấn Độ và Bangladesh, tuy nhiên không gây ra hậu quả nghiêm trọng như những quốc gia khác trong khu vực. 

Theo cơ quan khí tượng Đài Loan, nhiệt độ đo được tại nước này vào sáng 27/1 ở mức thấp kỷ lục dưới 4 độ C. Do nhiều ngôi nhà không được trang bị hệ thống sưởi ấm nên đợt giá rét bất thường làm ít nhất 85 người tử vong, chủ yếu là người già, phần lớn do bị hạ thân nhiệt đột ngột và ngộ độc khí CO2. Cũng tại Đài Loan, phần lớn hệ thống giao thông và dịch vụ thông tin bị tê liệt bởi thời tiết lạnh giá.

Người dân ở Hồng Kông trải qua cái lạnh “cắt da cắt thịt” dưới 3 độ C trong 4 ngày liên tiếp, nhiệt độ thấp nhất trong gần 60 năm trở lại đây. Chỉ trong ngày 26/1, 43 người phải nhập viện do những căn bệnh về tim mạch và tai nạn liên quan đến giá rét.

Trong khi đó, tình trạng giá lạnh, băng tuyết nghiêm trọng tấn công vào hầu hết lãnh thổ Trung Quốc. Đây được xem là đợt giá lạnh kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua với nhiệt độ nhiều nơi sụt xuống dưới -50 độ C. Thậm chí, nhiều vùng nhiệt đới ở miền nam Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng tuyết rơi, gây thiệt hại nghiêm trọng về cây trồng và vật nuôi. Hoạt động đánh bắt cá của ngư dân nước này cũng chịu không ít ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tàu đánh cá bị đóng băng ngoài khơi bờ biển 2 thành phố Thanh Đảo và Đại Liên. Thêm vào đó, đợt rét xảy ra trùng với thời điểm bắt đầu mùa đi lại (thường kéo dài 40 ngày) trong dịp Tết âm lịch (8/2) làm ảnh hưởng nhịp sống của người dân, do số lượng lớn ô tô, máy bay và tàu hỏa hư hại do giá rét. Trong số đó, hơn 11.000 hành khách mắc kẹt tại sân bay Côn Minh, tỉnh Vân Nam trong những ngày gần đây.

Chính quyền khu tự trị Choang Quảng Tây báo cáo, ngành thủy sản thiệt hại hàng chục tấn nông sản, cùng với hàng nghìn héc ta cây trồng, rau củ đang vào vụ thu hoạch bị hư hỏng nặng. Giới chức tỉnh Chiết Giang cho hay, đợt giá lạnh bất thường này khiến hơn 35.000 người phải đi tránh rét, trong khi 5.500 héc ta đất nông nghiệp bị mất trắng. Thiệt hại kinh tế ước tính có thể lên đến 6,5 triệu USD.

Cuộc sống đảo lộn

Theo tờ báo Hàn Quốc Korea Herald, gần 90.300 người bị mắc kẹt từ cuối tuần qua tại hòn đảo du lịch Jeju và khoảng 1.200 chuyến bay phải hủy bỏ.

Tại Nhật Bản, những cơn bão tuyết cũng khiến hàng trăm chuyến bay nội địa bị hủy. Tính đến nay, ít nhất 5 người tử vong và hơn 100 người bị thương. Đảo Okinawa ngày 25/1 lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng mưa tuyết bất thường.

Tiếp đó, đợt rét đậm rét hại nghiêm trọng này cũng ảnh hưởng mạnh tới nhiều khu vực Đông Nam Á, trong đó ảnh hưởng đáng kể nhất tại Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Thái Lan nói rằng, hơn 1.900 trường hợp mắc bệnh cúm và hơn 6.400 trường hợp mắc bệnh viêm phổi vì thời tiết lạnh. Tờ Bangkok Post hôm 26/1 đưa tin, giá lạnh và sự sụt giảm nhiệt độ đột ngột khiến ít nhất 3 người thiệt mạng tại Thái Lan. Nhiệt độ tối thiểu tại khu vực phía bắc và đông bắc nước này dự kiến dao động trong khoảng từ 6-15 độ C, trong khi các khu vực đồng bằng trung tâm và khu vực phía đông có mức nhiệt từ 13-18 độ C.

Ở nước láng giềng Lào, tuyết rơi lần đầu tiên trong 15 năm trở lại đây ở tỉnh Sầm Nưa. Người dân trong khu vực miền núi phía đông bắc Lào đang phải vật lộn với tình trạng đóng băng khi nhiệt độ ở một số khu vực giảm xuống 0 độ C.

Tại nước ta, không khí lạnh tràn về từ ngày 22/1 được xem là đợt không khí lạnh nhất trong mùa đông làm khu vực miền bắc và Bắc Trung Bộ trải qua những ngày rét khốc liệt, nhiều nơi dưới 0 độ C và hơn 20 điểm có tuyết rơi. Trong đó, thủ đô Hà Nội rét kỷ lục trong 40 năm với nhiệt độ giảm xuống chỉ hơn 5 độ C. Tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn tuyết dày tới 10cm. Hiện tượng khí hậu bất thường đang gây ra nhiều thiệt hại vật chất cho nền nông nghiệp và cuộc sống của người dân ở những địa phương nói trên.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ AP, CNN & ANN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Trường Cao đẳng Huế:
Đăng cai Hội thảo "Xã hội và văn hoá châu Á trong thời kỳ công nghệ số"

Với chủ đề "Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số", hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á sẽ diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế. Được Trường Cao đẳng Huế đồng chủ trì tổ chức, đây là lần đầu tiên Trường Cao đẳng Huế vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện này.

Đăng cai Hội thảo Xã hội và văn hoá châu Á trong thời  kỳ công nghệ số

TIN MỚI

Return to top