Được dẫn dắt bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), RCEP là một trong những cơ hội phát triển tốt nhất cho 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia đối tác bao gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand để đón nhận một khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển mở rộng và tự do về mặt kinh tế.
Hoàn thành các cuộc đàm phán RCEP sẽ tạo điều kiện tốt để các nước thành viên phát triển bền vững Ảnh: Image
Một khi thỏa thuận thương mại được ký kết thành công, đây sẽ là thương vụ lớn nhất trên thế giới kể từ khi Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) kết thúc vòng đàm phán thứ 8 vào năm 1994 ở Uruguay với sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tính đến thời điểm hiện tại, RCEP chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP), 45% dân số thế giới, 30% thu nhập toàn cầu và nắm giữ khoảng 30% thương mại toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 6, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing khẳng định: “Chúng ta đang tìm kiếm một thỏa thuận lớn. Đây là cột mốc quan trọng mà tất cả các nước thành viên cần phải nỗ lực để đạt được. Điều này cũng tương tự như leo một ngọn núi. Khi quãng đường đến đỉnh núi trở nên gần hơn, việc leo núi có thể sẽ khó khăn và cần nhiều sức lực hơn”.
Trong một vòng đàm phán RCEP gần đây được diễn ra vào tháng 7, các bên đã thống nhất thông qua hai chương quy tắc mới về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại và mua sắm công, cùng lúc đưa tổng số lượng các chương đã qua ký kết lên thành 4. Trong một tuyên bố chung, bộ trưởng của 16 nước tham gia hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực bày tỏ sự tin tưởng rằng tiến trình đàm phán về các chương tiếp theo cũng sẽ diễn ra vô cùng suôn sẻ với đà phát triển đang rất tốt đẹp, đi kèm sẽ là những kết luận khả quan. Theo thông tin đăng tải trên tờ The ASEAN Post, hiện các nhà lãnh đạo đang lên kế hoạch tiến hành ký kết thỏa thuận về thương mại tại hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Singapore vào tháng 11 tới.
Trước thông tin này, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore Sanchita Basu Das nhận định, kết quả cuối cùng của thỏa thuận thương mại này sẽ là minh chứng rõ ràng cho thấy “tâm lý sẵn sàng về chính trị cao nhất của các nước thành viên tham gia ký kết”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Sanchita Basu Das cũng khẳng định để đạt được thỏa thuận nhanh chóng, các nước phải sẵn sàng thực hiện một số thỏa hiệp. Được biết, điều kiện này bắt nguồn từ vấn đề thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, thiếu các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và các đợt bầu cử quốc gia sắp tới sẽ tạo nên rào cản ảnh hưởng đến tiến trình thống nhất điều kiện tiếp cận thị trường của các nước tham gia RCEP.
Mối quan tâm toàn cầu
Giữa những bất ổn khó lường trước về tình hình kinh tế toàn cầu, kết luận cuối cùng của RCEP có thể hỗ trợ các nước giảm thiểu ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thêm vào đó, RCEP cũng được coi là bộ đôi hoàn hảo của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một phiên bản thu nhỏ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết bởi các quốc gia thành viên còn lại sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định.
Xâu chuỗi những dữ kiện trên, nhà nghiên cứu Sanchita Basu Das một lần nữa tái khẳng định RCEP cần thực hiện tốt vai trò của mình để phát triển trong kiến trúc thương mại trọng tâm của châu Á, đồng thời củng cố các thỏa thuận nhỏ hơn và tinh giảm chuỗi các quy tắc về biên giới.
Nhìn chung, so với TPP và CPTPP, RCEP tương đối khiêm tốn với khung quy định và các tiêu chuẩn thấp và hạn chế hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết 16 nước tham gia ký kết hiệp định đều là các quốc gia đang phát triển, đây chắc chắn là một cơ hội giá trị cần được nắm bắt kịp thời.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The ASEAN Post)