ASEAN và Khối Thịnh vượng chung đang nỗ lực hợp tác để các nước thành viên cùng nhau phát triển. Ảnh của The Queen Elizabeth Diamond Jubilee Trust (ảnh minh họa)
Mặc dù mối quan hệ liên kết giữa Khối Thịnh vượng chung và ASEAN có thể không rõ ràng như với các khối khu vực khác (đơn cử như Liên minh châu Phi), song vẫn có rất nhiều bằng chứng chứng minh sự tác động và tầm ảnh hưởng tương đối lớn của Khối Thịnh vượng chung trong khu vực ASEAN, nhất là tại các quốc gia nằm trong ô kinh tế - xã hội của khối. Theo Bộ Ngoại giao Brunei – một trong ba quốc gia ASEAN là thành viên thuộc Khối Thịnh vượng chung, khối đã có nhiều đóng góp và hỗ trợ lớn cho đất nước này trong những khía cạnh về thương mại, công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, những sáng kiến, hỗ trợ đều được thực hiện bởi Khối Thịnh vượng chung quỹ cho hợp tác kỹ thuật (CFTC). Ngoài ra, nước này cũng hưởng nhiều quyền lợi hơn từ sự giúp đỡ của Hội đồng khoa học Khối Thịnh vượng chung (CSC), quỹ Khối Thịnh vượng chung, chương trình thanh thiếu niên Khối Thịnh vượng chung (CYP)...
Thêm vào đó, liên hệ xã hội giữa ASEAN và Khối Thịnh vượng chung cũng được thể hiện rõ ràng khi Malaysia đóng vai trò chủ nhà tổ chức đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung lần thứ 16 vào năm 1998.
Về lĩnh vực kinh tế, mặc dù Malaysia là trung tâm thương mại của ASEAN và châu Á, nhưng nước này vẫn duy trì hợp tác bền chặt với Khối Thịnh vượng chung. Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu diễn ra vào đầu thập kỷ này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho hay: “Trong khi 25% giá trị thương mại của đất nước chúng tôi được ghi nhận thực hiện với ASEAN, thì con số này đối với Khối Thịnh vượng chung là khoảng 22%”. Trong bối cảnh Brunei là một trong số những thành viên của khối, hội đồng doanh nghiệp Khối thịnh vượng chung (CBC) tin tưởng giá trị thương mại trong khối sẽ đạt 5 nghìn tỷ USD và giá trị đầu tư đạt 250 tỷ USD vào thập kỷ tới. Được biết, trong 10 năm qua, giá trị thương mại trong khối đã tăng từ 2 nghìn tỷ USD lên thành 3 nghìn tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 22% giá trị thương mại toàn cầu, trong khi dòng vốn đầu tư cũng được mở rộng từ 80 tỷ USD lên thành 180 tỷ USD.
Không chỉ riêng Brunei và Malaysia, sự tham gia của Singapore vào khối cũng được nhận định là một trong những chính sách đối ngoại cần được xem xét, học hỏi. Trong những năm qua, đảo quốc sư tử đã tiến hành nhiều khóa học xây dựng năng lực cho các quan chức Khối thịnh vượng chung trong khu vực về các lĩnh vực như: quản lý thiên tai, quản lý khu vực công và tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng. Đơn cử như các khóa 2030-Vision, Leadership và Public Service Excellence được nước này thực hiện rất thành công nhằm đảm bảo các thành phố nằm trong sự bảo trợ của khối sẽ có cơ hội phát triển an toàn và đàn hồi hơn, từ đó dễ dàng thiết lập các tổ chức quản lý hiệu quả để phát triển toàn diện đất nước.
Trả lời báo giới trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Cả hai khối đang nỗ lực tối đa để tìm cách nâng cao đời sống của nhân dân thông qua công tác thúc đẩy quản trị tốt và thực hành phát triển bền vững. Cả hai (ASEAN và Khối Thịnh vượng chung) đều đang cố gắng duy trì một mối quan hệ đa phương trên quy tắc mở cửa, cho phép mọi quốc gia phát triển thịnh vượng”. Thêm vào đó, vị thủ tướng cũng cho rằng, sự hợp tác của ASEAN và Khối Thịnh vượng chung là cần thiết để tăng cường khả năng phục hồi, chống lại các mối đe dọa như khủng bố, tội phạm mạng và biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, Khối Thịnh vượng chung và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là hai khối toàn cầu có nguồn gốc lịch sử khác nhau, song hai khối vẫn tiếp tục gắn kết bằng một mục tiêu chung là đạt được hòa bình, nâng tầm hiểu biết và hợp tác lẫn nhau để các nước thành viên đồng lòng phát triển.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The ASEAN Post)