Cộng đồng người Việt ở nhiều nước chào đón Tết Đinh Dậu 2017 bằng các hoạt động, lễ hội đa dạng, hấp dẫn.
Giới thiệu Tết Việt
Tại bang Washington - Mỹ, lễ hội Tết Đinh Dậu của người Việt là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa thế giới ở TP Seattle trong hai ngày 21 và 22/1. Tại lễ hội được tổ chức ở Trung tâm Seattle này, khách tham quan có cơ hội khám phá về văn hóa Việt Nam thông qua các chương trình nghệ thuật, gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công, ẩm thực, biểu diễn võ thuật, trò chơi…
Trước đó, lễ hội đón Tết cổ truyền tại Trung tâm Hội nghị DCU ở TP Worcester, bang Massachusetts - Mỹ hôm 15/1 đã thu hút rất đông người gốc Việt tham dự. Điểm đặc biệt của cổng chính đón khách tại sự kiện năm nay là 12 ki-ốt trưng bày 12 con giáp. Thông qua sự kiện lần này, ban tổ chức muốn giới thiệu đến khách tham dự về Tết cổ truyền của người Việt. Theo trang Masslive, bên cạnh các tiết mục văn nghệ giải trí, sự kiện còn có khu ẩm thực giới thiệu các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bánh mì… TP Worcester là nơi có cộng đồng người gốc Việt sinh sống nhiều nhất ở vùng New England (gồm 6 bang Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Connecticut và Rhode Island) của Mỹ.
Cùng ngày, Trung tâm Hội nghị Oxnard Performing Arts Center ở TP Oxnard, bang California - Mỹ cũng đã tổ chức lễ hội Tết nguyên đán 2017 với điểm nhấn là các màn trình diễn múa lân.
Còn tại TP Toronto - Canada, người gốc Việt thậm chí còn được đón Tết Đinh Dậu sớm hơn. Theo trang Inside Toronto, lễ hội đón Tết tại Trung tâm Nghệ thuật Toronto hôm 8/1 gồm các tiết mục múa lân, giới thiệu ẩm thực và cà phê Việt, ca hát, nhảy múa, hài kịch, chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
|
Hội chợ Tết ở TP Bankstown - Úc hôm 21/1. Ảnh: Facebook
|
Là một trong những quốc gia có đông người Việt sinh sống, nước Úc cũng được trải nghiệm bầu không khí đón Tết Đinh Dậu tại nhiều nơi. Chẳng hạn, Hội chợ Tết tại Trung tâm sự kiện Melbourne Show Ground ở bang Victoria dự kiến diễn ra trong hai ngày 4 và 5/2. Điểm nhấn của hội chợ là cuộc thi hát Tet Factor, được hy vọng lôi cuốn nhiều bạn trẻ tham dự. Bên cạnh đó, lễ hội còn có những tiết mục hằng năm, như vinh danh học sinh xuất sắc với số điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học.
Hội chợ Tết tại bang New South Wales - Úc năm nay dự kiến được tổ chức tại địa điểm cũ là khu hội chợ Fairfield Show Ground vào các ngày 3, 4 và 5/2. Mục tiêu của hội chợ Tết năm nay là vận động trên 1.000 người tham dự đội nón lá nhằm lập kỷ lục mới.
Trong khi đó, điểm thu hút du khách tại hội chợ Tết tại ở TP Bankstown, cũng ở bang New South Wales, hôm 21/1 là màn “múa gà” đặc sắc. Cùng với đó là chương trình tô màu tranh gà dành cho thiếu nhi và trưng bày tranh dân gian ngày Tết của Việt Nam. Tham gia biểu diễn tại sự kiện này còn có 10 học sinh, từ 5 đến 14 tuổi, của Liên trường Văn hóa Việt Nam ở TP Sydney trong trang phục áo dài truyền thống.
“Chúng tôi muốn chia sẻ nền văn hóa của Việt Nam với mọi người ở Úc. Tết nguyên đán có ý nghĩa quan trọng ở đất nước chúng tôi cũng như đối với bất cứ cộng đồng người Việt nào trên khắp thế giới... Chúng tôi dạy trẻ về văn hóa Việt và giúp các em học hỏi thông qua các màn biểu diễn, bài hát, giờ học trên lớp” - cô Yen Pham, Hiệu trưởng Trường Trung học Canley Vale, nói với trang Canterbury-Bankstown Express.
Trước đó, hội chợ Tết Footscray 2017 ở bang Victoria với chủ đề “Footscray ngày nay” đã diễn ra hôm 15/1. Hội chợ Tết năm nay có sự hiện diện của cổng chào Sài Gòn và nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo, như Sớ táo quân. Hội chợ được khép lại bằng màn bắn pháo hoa ngoạn mục.
Muôn màu sắc Tết ở châu Á
Có nhiều điều để nói về chuyện đón Tết nguyên đán ở châu Á năm nay. Tại Hàn Quốc, người dân thường gửi tặng nhau những món quà đắt tiền như thịt bò, cá khô và trái cây. Tuy nhiên, tục lệ này năm nay phải thay đổi do đạo luật chống tham nhũng có hiệu lực từ tháng 9/2016. Theo luật mới, lãnh đạo các cơ quan nhà nước, phóng viên, giáo viên sẽ bị xử phạt nếu nhận quà tặng trị giá trên 50.000 won (khoảng gần 1 triệu đồng). Thức thời, hầu hết các cửa hàng bách hóa đều tung ra các gói quà có giá dưới 50.000 won.
Trong khi đó, người dân Trung Quốc bắt đầu về quê từ ngày 13/1. Nhiều người “đội” rét mướt suốt quãng đường xa, chạy xe máy về quê, phần do muốn tránh cảnh chen chúc khi đi tàu, phần vì giá quá đắt, nhất là với lao động nhập cư. Họ không dùng điện thoại thông minh nên trông cậy hết vào bản đồ và không tránh khỏi việc đi nhầm đường vòng. Ngoài ra, nhiều người độc thân còn phải chuẩn bị tinh thần trước câu hỏi của người nhà: “Khi nào lập gia đình?”. Một chuyện cũng đáng lo ngại vào dịp Tết khi Trung Quốc đang ngụp lặn trong bầu không khí ô nhiễm. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chính quyền tỉnh Hà Nam ra chỉ thị mở rộng lệnh cấm pháo hiện tại ở các thành phố sang các thị trấn trong những lễ hội.
Ở Hồng Kông, người dân đổ xô đến ngân hàng đổi tiền mới khiến một số ngân hàng mở cửa sớm hơn thường lệ để phục vụ. Bên cạnh những người lì xì Tết với phong bao đỏ lâu nay, Ngân hàng HSBC cho ra đời chức năng lì xì trên ứng dụng di động: Khách hàng có thể gửi “lì xì và lời chào kỹ thuật số” cho gia đình và bạn bè từ ngày 19/1 đến ngày 15/2.
Còn tại Singapore, một cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng United Overseas (UOB) cho biết người dân thắt chặt chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Theo chuyên gia kinh tế của UOB, ông Francis Tan, việc “thắt lưng buộc bụng” dịp Tết Nguyên đán không hề bất ngờ khi tiền lương tăng chậm hơn vào năm ngoái trong lúc kinh tế được dự báo tăng trưởng chậm lại trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, ông Tan cho rằng nhiều người Singapore vẫn muốn duy trì các truyền thống dịp Tết, như lì xì người thân.
|
Theo Người lao động