ClockThứ Sáu, 09/03/2018 21:50
HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Thương mại tiến bộ là con đường phía trước

TTH - Dù không có Hoa Kỳ, 11 quốc gia còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 8/3 vừa qua tại Santiago (Chile).

63% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng CPTPP tác động tích cựcCanada, Chile và New Zealand thúc đẩy hợp tác sau khi ký CPTPPCPTPP là tín hiệu mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộHiệp định CPTPP trị giá 10.000 tỷ USD chính thức được ký kết ​

Bộ trưởng các nước tại lễ ký kết CPTPP diễn ra ở Santiago ngày 8/3/2018

Làm sống lại thỏa thuận mang tính bước ngoặt

Đây được xem là một phiên bản mới của hiệp định thương mại đa phương, làm sống lại một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về cắt giảm thuế quan và thúc đẩy thương mại trên một thị trường với tổng sản lượng trị giá 10 nghìn tỷ đô la Mỹ. Phiên bản được phục hồi  của TPP sẽ giảm thuế quan trong 11 nền kinh tế vốn chiếm hơn 13% GDP của thế giới.

Theo Bộ Ngoại giao Chile, CPTPP sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các hiệp định hội nhập kinh tế khu vực khác, và thậm chí là cả đối với các cuộc đàm phán trong tương lai của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) và trong APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương).

Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne nói tại lễ ký kết: "Chúng tôi rất tự hào khi thể hiện với thế giới rằng thương mại tiến bộ là con đường phía trước".

Bộ trưởng Thương mại Singapore Lim Hng Kiang thì mô tả việc ký kết như là một cam kết đối với các mục tiêu chung của tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế khu vực.

"Tin vui hiếm hoi"

CPTPP còn được gọi là TPP-11, đã được Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đàm phán. Các quan chức từ 11 quốc gia thành viên lần đầu tiên đã đạt được một thỏa thuận rộng rãi vào tháng 11 năm ngoái để tiến tới hiệp định thương mại được đổi tên trước khi hoàn tất đàm phán ở Tokyo cách đây hai tháng. Thỏa thuận hồi phục sẽ làm giảm thuế quan trong các nền kinh tế đại diện cho 500 triệu người và chiếm 13,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu - tương đương 10 nghìn tỷ đô la Mỹ.

TPP ban đầu, với sự tham gia của Hoa Kỳ, sẽ bao phủ 40% nền kinh tế thế giới trị giá 28 nghìn tỷ đô la Mỹ. Hiệp định này đã được ký kết ngày 4/2/2016, sau 6 năm đàm phán và được xem là thiết lập nên một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, gần một năm sau, Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận thương mại như là một phần của chính sách "nước Mỹ đầu tiên" của Tổng thống Donald Trump để bảo vệ việc làm trong nước. Do các yêu cầu pháp lý của TPP, thỏa thuận này không thể bắt đầu có hiệu lực nếu không có Hoa Kỳ và 11 quốc gia còn lại, do Tokyo lãnh đạo, đã nối lại đàm phán để duy trì thỏa thuận.

Các nhà quan sát mô tả việc ký kết CPTPP trong tuần này là "tin vui hiếm hoi" mà sẽ "đánh bật" những lo ngại gần đây về chiến tranh thương mại “ăn miếng trả miếng” (tit-for-tat).

Việc chính thức hoá CPTPP cũng có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán đang diễn ra đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định mà nếu được thông qua sẽ bao gồm gần 3,5 tỷ người và một phần ba nền kinh tế thế giới.

Ngọc Hà

(Lược dịch từ newsasia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký kết hợp tác về xây dựng Đảng và phát triển du lịch

Sáng 4/10, Thành ủy Huế tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ban Thường vụ Thành ủy Huế và Ban Thường vụ Thị ủy Sa Pa (Lào Cai) về hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa giữa hai địa phương.

Ký kết hợp tác về xây dựng Đảng và phát triển du lịch

TIN MỚI

Return to top