Giải quyết vấn đề kháng kháng sinh trong chăn nuôi cần nhanh chóng được triển khai ở châu Á. Ảnh: Zilient
Do tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đã xuất hiện tại rất nhiều quốc gia trong thời gian dài, nên các nhà khoa học hiện vẫn chưa thu được con số cụ thể về mức thiệt hại khổng lồ do kháng kháng sinh gây ra đối với cả người và động vật. Những biến chứng của bệnh kháng thuốc đến nay vẫn được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe con người. Song nhìn chung nhận thức của người dân, đặc biệt là tại các nước đang phát triển về mức độ nguy hiểm của việc lạm dụng kháng sinh vẫn còn rất thấp.
Kháng kháng sinh (ARM) là tình trạng tự nhiên khi các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm... thích ứng với các loại thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn, từ đó làm mất tác dụng của thuốc trong quá trình điều trị bệnh. Theo nhận định của các chuyên gia, ARM tiềm ẩn một mối nguy hiểm ngầm. Điều này có nghĩa hầu hết các tác động ban đầu của hiện tượng kháng kháng sinh đều không rõ ràng, nhưng về lâu dài, không từ ngữ nào có thể bao hàm toàn bộ những tác hại có thể xảy ra. Một khi tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng đến năm 2050, mỗi năm thế giới sẽ chứng kiến khoảng 10 triệu trường hợp tử vong do nhiễm virus kháng thuốc, tăng gấp nhiều lần so với 700.000 trường hợp/năm trong thời điểm hiện tại. Cùng với đó, thiệt hại kinh tế mà thế giới phải gánh chịu ước tính sẽ lên đến 100 nghìn tỷ USD/năm.
Xét về từng tiểu vùng, châu Á được ghi nhận là thị trường tiêu thụ kháng sinh trong chăn nuôi nhiều nhất. Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, số lượng thịt, cá tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể. Tập hợp những yếu tố kể trên, có thể nói công tác ngăn chặn tối đa việc sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh trong chăn nuôi cần được ưu tiên triển khai ở khu vực này.
Về tổng thể, hầu hết các quốc gia đều nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề kháng kháng sinh ở người. Tuy nhiên, chỉ ½ trong số các nước trên thế giới thúc đẩy cắt giảm số lượng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi – nơi lượng kháng sinh dư thừa được hấp thụ trực tiếp vào cơ thể người thông qua con đường tiêu thụ thịt, cá...
Truyền tải thông tin thông qua ứng dụng điện thoại
Trả lời báo giới truyền thông, Bikash Chandra Saha - một bác sĩ thú y ở Bangladesh cho biết, Colistin – một loại kháng sinh cực mạnh ở người đã thường được sử dụng tràn lan trên động vật. Song sau nhiều tác hại lâu dài, hiện các bác sĩ đang ngày càng cẩn trọng hơn trong việc sử dụng loại thuốc này.
Là vấn đề cần phải giải quyết từ gốc, vừa qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) đã nhanh chóng triển khai một khóa đào tạo cho gần 150 bác sĩ Bangladesh, trong đó chú trọng hướng dẫn sử dụng các loại kháng sinh đã được cấp phép trên toàn cầu.
Những hướng dẫn này được thiết lập dưới dạng ứng dụng điện thoại - một trong những phương pháp trao đổi thông tin sáng tạo mà FAO nói riêng và các tổ chức quốc tế đã tìm ra để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho tất cả các đối tượng đang tiếp xúc với nhiều chủng loại kháng sinh có trên thị trường.
Hiện ứng dụng đang được đưa vào sử dụng bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Lào và tiếng Myanmar để người dân dễ dàng tiếp cận.
Nâng cao nhận thức thay vì cấm toàn bộ
Cũng theo các chuyên gia, hành động cấm sử dụng thuốc kháng sinh và các biện pháp trừng phạt liên quan sẽ không đạt hiệu quả cao, nếu ý thức tuân thủ của người dân chưa tốt.
Do đó, các chuyên gia hi vọng phương pháp hỗ trợ tiếp cận thông tin theo cách hiện đại này sẽ đóng góp một phần công sức trong việc giảm thiểu tối đa mức độ sử dụng thuốc kháng sinh trong các nông trại ở châu Á.
Là một phần của dự án thí điểm nhằm mục tiêu cắt giảm mức độ sử dụng thuốc kháng sinh, ước tính đã có khoảng 120 nông dân chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam được tham gia tập huấn về cách kiểm soát, phòng ngừa bệnh, cũng như tham gia tư vấn thú y miễn phí. Sau những lớp tập huấn đầu tiên, Carrique-Mas – thành viên thuộc đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Kết quả ban đầu rất khả quan, dự kiến tình trạng sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh sẽ giảm từ 30% - 50% trong thời gian tới. Từ đó năng suất và chất lượng sản phẩm gia cầm sẽ ngày càng được cải thiện”.
Hạnh Nhi
Tổng hợp từ Devdiscourse & Forbes)