ClockThứ Sáu, 22/12/2017 14:42

Việt Nam - Hàn Quốc: Từ cựu thù thành đối tác chiến lược

Hôm nay (22/12), vừa tròn một phần tư thế kỷ kể từ ngày nước ta và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.

Việt Nam, Hàn Quốc nhất trí mở rộng hợp tác giáo dụcViệt Nam tham dự khoá huấn luyện sỹ quan LHQTổng thống Hàn Quốc Moon Jae- in bắt đầu chuyến công du 3 nước Đông Nam ÁViệt Nam, Hàn Quốc họp bàn hợp tác kinh tếTập đoàn CJ Hàn Quốc xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt NamChuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc “gõ cửa” Việt NamHàn Quốc đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch Việt Nam

Sinh viên Trường đại học Joongbu (Hàn Quốc) tham gia hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh tại TP Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Sau 25 năm, từ chỗ là "cựu thù" do quân đội Hàn Quốc cùng Mỹ tham chiến ở Việt Nam, nay hai nước đã là "đối tác hợp tác chiến lược" với sự hợp tác sâu rộng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Ngoại giao "Thế vận hội"

Màn dạo đầu cho mối bang giao này diễn ra từ sau khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối. Số là, có ba nhân viên ngoại giao Hàn Quốc đã bị kẹt lại khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Năm 1978, với sự trung gian của Pháp, đã diễn ra cuộc đàm phán ba bên ở cấp thứ trưởng ngoại giao: Việt Nam, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tại New Delhi (Ấn Độ) về việc trao trả cho Hàn Quốc ba nhân viên này. Tuy nhiên cuộc đàm phán này không thành. Chỉ tới tháng 4/1980, ta mới thả ba nhà ngoại giao nói trên. Sau đận ấy, hai bên không có cuộc tiếp xúc chính thức nào nữa, ngoại trừ một số vụ giao lưu buôn bán giữa các công ty.

Ngày nay Hàn Quốc đã trở thành nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, khoảng 56 tỉ USD và là nhà cung cấp tài trợ song phương lớn thứ 2 cho nước ta. 

Mãi tới khi nước ta triển khai công cuộc đổi mới và mở cửa thì hai bên mới lại có những cuộc tiếp xúc không chính thức. Đi đầu trong hành trình này là đoàn thể thao Việt Nam sang dự Thế vận hội Seoul năm 1988. Như vậy là, nếu như trong quan hệ Mỹ - Trung từng có "ngoại giao bóng bàn", quan hệ Mỹ - Cuba có "ngoại giao bóng chày", quan hệ Mỹ - Triều có "ngoại giao bóng rổ" thì trong quan hệ Việt - Hàn có "ngoại giao Thế vận hội"!

Cùng vào thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và cả Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười đã lần lượt công khai ngỏ ý về việc thiết lập quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tháng 4 và tháng 10 năm 1990, đại sứ hai nước ở Bangkok đã gặp nhau không chính thức để bàn về việc đàm phán chính thức để thiết lập quan hệ.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tiếp cận "từng bước"

Ngày 4/4/1991, Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang Ok cùng một số quan chức đã hội đàm với đoàn ta. Trong câu chuyện, ông ngỏ ý thanh minh rằng Hàn Quốc phải tính đến thái độ của nước đồng minh chủ yếu là Hoa Kỳ nên cần thêm thời gian nữa mới có thể thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam.

Về phần mình, tôi đưa ra cách tiếp cận "từng bước", theo đó trước hết có thể tính đến việc mở cơ quan đại diện thương mại. Tuy nhiên phía bạn chưa chấp thuận với lập luận rằng khi có cơ hội thì nên đi thẳng tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ, chứ không nên có những bước trung gian. Thực ra đó chỉ là cái cớ, nguyên do chính là bạn chưa được bật đèn xanh. Cuối cùng, hai bên thỏa thuận tiếp tục đàm phán thông qua đại sứ quán hai nước ở Bangkok.

Cuối năm 1991 có hai sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới lập trường của phía Hàn Quốc là Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ và Mỹ bắt đầu trao đổi với Việt Nam về việc bình thường hóa quan hệ. Những sự kiện ấy đã giúp Hàn Quốc mạnh dạn hơn trong việc thiết lập quan hệ với nước ta.

Ngày 18/12/1991, đại sứ Hàn Quốc ở Bangkok Jeong Ju Nion được cử sang Hà Nội để đàm phán với trợ lý bộ trưởng ngoại giao Lê Đức Căng và tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo cuộc đàm phán này.

Sự mắc mứu đã nảy sinh khi ta nêu trách nhiệm của Hàn Quốc "bồi thường chiến tranh" cho Việt Nam - điều mà phía Hàn Quốc không đáp ứng được. Phía ta đã có sự mềm dẻo nhất định bằng cách yêu cầu Hàn Quốc cam kết bằng văn bản về việc dành ODA cho ta và mở rộng hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc lại cho rằng vấn đề quan hệ kinh tế nên được bàn bạc sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Thay vào đó, bạn quay sang chấp nhận gợi ý của tôi nêu ra ở Seoul hồi tháng 4 về việc mở văn phòng đại diện ở hai thủ đô.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1992 đã diễn ra vòng đàm phán thứ hai ở Hà Nội. Hai bên đã có sự "hiểu biết" về hợp tác kinh tế Việt - Hàn sau khi kiến lập quan hệ chính thức, mở đường cho việc hai bên đã ký bản ghi nhớ về việc mở văn phòng đại diện ở thủ đô của nhau.

Tháng 8/1992, văn phòng của Hàn Quốc đã được khai trương tại Hà Nội do tổng lãnh sự Park Noh Su đứng đầu. Vừa rồi ông Park có sang Hà Nội dự hội thảo khoa học và chúng tôi đã gặp nhau tay bắt mặt mừng sau 1/4 thế kỷ, cùng nhau ôn lại những chuyện xưa. Còn văn phòng của ta được thành lập vào tháng 11/1992 do anh Nguyễn Phú Bình - chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, một người đã từng học tiếng Triều Tiên - đứng đầu (sau này anh Phú Bình là đại sứ đầu tiên của nước ta ở Seoul và sau khi về nước một thời gian đã được cử làm thứ trưởng ngoại giao).

Cuối cùng, Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang Ok đã sang thăm Việt Nam và ngày 22/12/1992 đã cùng ngoại trưởng ta là anh Nguyễn Mạnh Cầm ký tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Qua những điều kể trên có thể thấy nói chung các cuộc dàn xếp ngoại giao, nhất là với các nước có lịch sử quan hệ phức tạp, không đơn giản chút nào. Để thành công cần "biết mình, biết người, biết thời thế", tức là chọn đúng thời điểm lợi ích hai bên gặp nhau và bối cảnh quốc tế thuận lợi cho cả hai bên.

Vào đầu những năm 1990, lợi ích của nước ta là thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình thế bị bao vây, cô lập với thế giới bên ngoài. Để thực hiện mục tiêu này, Hàn Quốc là một trong những đối tác ta nhắm tới vì nước này đã trở thành một "con hổ châu Á" với nhiều kỳ tích về kinh tế và có lợi ích mở rộng thị trường, trong đó Đông Nam Á và Việt Nam là một đích ngắm.

Như vậy cũng chưa đủ mà cần có thời thế thuận lợi và đặc biệt là bước đi thích hợp theo hướng tiệm tiến: thông qua các con đường phi chính thức và ít "mùi chính trị" hơn như thể thao, thương mại, trao đổi đoàn ở cấp bậc và dưới các danh nghĩa thích hợp.

Lần đầu tiên ở khách sạn 5 sao

Năm 1991, một cơ hội thuận tiện cho việc trao đổi chính thức đã mở ra. Số là năm đó Hàn Quốc đăng cai cuộc họp của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và tôi được cử làm trưởng đoàn Việt Nam sang dự với ý định nhân dịp đó tiến hành đàm phán về việc thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước. Cũng với ý định ấy, phía Hàn Quốc đã có một cử chỉ ngoại giao khác thường là đài thọ mọi chi phí đi lại, ăn ở cho đoàn ta. Chính nhờ vậy mà lần đầu tiên tôi có dịp đi máy bay loại hạng nhất và ở khách sạn 5 sao Lotte giữa thủ đô Seoul!

Nguyên Phó Thủ tướng VŨ KHOAN​/ Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024
Việt Nam giành ngôi đầu bảng

Trong trận đấu ở bảng B tối 15/12 trên sân Việt Trì (Phú Thọ), dù được đánh giá cao hơn Indonesia về mọi mặt, đội tuyển Việt Nam khá vất vả mới giành trọn ba điểm nhờ sự tỏa sáng của đội trưởng Quang Hải.

Việt Nam giành ngôi đầu bảng
Return to top