Nhu cầu du lịch từ khách Trung Quốc dự kiến sẽ bùng nổ mạnh sau khi các biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: Reuters/laodong
Mới tuần này, Chính phủ Trung Quốc chính thức thông báo sẽ dỡ bỏ biện pháp cách ly người nhập cảnh từ ngày 8/1/2023, tức người dân Trung Quốc du lịch ở nước ngoài sẽ không còn phải cách ly khi về nhà. Động thái này được xem là nguyên nhân thúc đẩy lượng đặt phòng tăng vọt từ du khách Trung Quốc - thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới hồi năm 2019.
Khoản chi tiêu toàn cầu 255 tỷ USD/năm từ khách du lịch Trung Quốc gần như đã bị đình trệ trong đại dịch, để lại một “lổ hổng” lớn trên thị trường châu Á, nơi các quốc gia từ Thái Lan cho đến Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là nguồn khách nước ngoài lớn nhất.
Dữ liệu của VariFlight cho thấy các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc chỉ bằng 8% so với mức trước đại dịch, nhưng các hãng hàng không đang tìm cách tăng công suất khi Bắc Kinh sắp nới lỏng các hạn chế vì COVID.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, du khách Trung Quốc đại lục chắc chắn là chất xúc tác cho sự phục hồi du lịch của Thái Lan”, ông Bill Barnett, giám đốc điều hành công ty tư vấn khách sạn C9 Hotelworks nhìn nhận. “Vấn đề không phải là liệu điều này có xảy ra hay không, mà vấn đề bây giờ là con số bao nhiêu và diễn ra nhanh như thế nào”.
Malaysia Airlines và hãng hàng không giá rẻ Việt Nam VietJet Aviation (VJC.HM) đều bày tỏ hy vọng sẽ khôi phục các chuyến bay Trung Quốc về mức trước đại dịch vào tháng 6 năm 2023, trong khi Korean Air sẽ tăng các chuyến bay giữa Hàn Quốc và Trung Quốc từ 9 chuyến/tuần lên 15 chuyến/tuần từ giữa tháng 1 tới.
Nhà phân tích Cheng Weng của Morningstar thì cho rằng, các hãng hàng không Trung Quốc có thể sẽ tăng đáng kể công suất từ cuối tháng 3/2023, trùng với thời điểm bắt đầu thiết lập lịch bay mùa hè.
Phục hồi du lịch khi nhu cầu bùng nổ
Viễn cảnh những du khách Trung Quốc giàu có đổ xô đến các con phố mua sắm trên khắp thế giới đã thúc đẩy cổ phiếu của các công ty hàng xa xỉ tăng cao trong tuần này, vì Trung Quốc chiếm đến 21% thị trường hàng xa xỉ trị giá 350 tỷ euro (371,91 tỷ USD) của thế giới.
Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - thường là giai đoạn du lịch cao điểm của du khách Trung Quốc - bắt đầu vào ngày 21/1/2023, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng.
Nhiều khách sạn ở Singapore đang thiết kế các chương trình hấp dẫn để thu hút du khách, đặc biệt là khách Trung Quốc. Ảnh: AFP
Cavaliere Giovanni Viterale, Tổng giám đốc Khách sạn Sofitel Sentosa ở Singapore cho biết khách sạn này đang thiết kế các gói tour Tết nhắm đến du khách Trung Quốc, bao gồm tiệc buffet lẩu và các gói lãng mạn dành cho các cặp đôi, khi khách sạn này tin rằng du lịch sẽ phục hồi theo xu hướng “du lịch phục thù”.
Tại Nhật Bản, công ty xe buýt du lịch Hato Bus tuyên bố từ tháng tới, họ sẽ thử nghiệm lại các chuyến du lịch nói tiếng Trung Quốc vốn đã tạm dừng trong đại dịch. Một phát ngôn viên của công ty cho biết họ đặt mục tiêu sẽ nối lại hoàn toàn chương trình này vào mùa xuân.
Vẫn nhiều thận trọng
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đang thận trọng với du khách từ Trung Quốc do làn sóng lây nhiễm COVID-19 vẫn đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Nhật Bản đang yêu cầu tất cả khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải cách ly trong 7 ngày theo các biện pháp kiểm soát mới có hiệu lực từ ngày 30/12.
Trong khi đó, Mỹ cho biết, sẽ áp dụng xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Ấn Độ, Italy và Đài Loan (Trung Quốc) cũng sẽ thực hiện các biện pháp mới, trong khi Philippines đang xem xét yêu cầu xét nghiệm từ du khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, Australia, Đức, Thái Lan và một số nước khác tuyên bố sẽ không áp đặt các quy tắc bổ sung đối với việc đi lại của khách Trung Quốc vào lúc này. Pháp, thông qua mạng xã hội Sina Weibo, thậm chí còn nhấn mạnh họ chào đón những người bạn Trung Quốc “với vòng tay rộng mở”.
Tại Việt Nam, khách sạn Sài Gòn Hạ Long ở Vịnh Hạ Long dự kiến sẽ đón khách Trung Quốc từ quý 2 năm tới.
James Shen, Tổng giám đốc của công ty du lịch Odyssey Travel có trụ sở tại Melbourne thì cho rằng, hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của du khách Trung Quốc đến Australia trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán này có lẽ là rất xa vời.
“Vẫn còn rất ít chuyến bay và nhiều khách sẽ chỉ đặt chỗ vào phút chót”, ông nói, và cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ sẽ phải đợi cho đến ít nhất là khi du lịch bùng nổ vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm sau.
Ông Liu Simin - quan chức bộ phận du lịch của Hiệp hội Nghiên cứu Tương lai Trung Quốc tại Bắc Kinh – nhận định rằng ngành du lịch quốc tế của nước này sẽ không phục hồi như trước đại dịch cho đến năm 2024.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)