Khói bốc lên tại một sân bay quân sự gần Kharkiv, Ukraine ngày 24/2. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay cho biết: "Mặc dù chúng tôi ở cách xa và là một quốc gia nhỏ, nhưng các vấn đề quốc tế như thế này rất đáng quan tâm đối với chúng tôi”.
Ngày 24/2, khi được hỏi về cuộc xung đột Nga – Ukraine, ông Hun Sen nói với giới truyền thông tại thủ đô Phnom Penh, trước sự hiện diện của Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, người đang có chuyến thăm chính thức tới Campuchia rằng: "Thủ tướng Malaysia và tôi cũng thảo luận về vấn đề này, và điều mà chúng tôi mong muốn chứng kiến là một giải pháp hòa bình".
"Tôi và Thủ tướng Malaysia đều cho rằng, ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ. Do đó, bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra cũng cần có sự đồng thuận của ASEAN, bao gồm cả vấn đề Ukraine - Nga", Thủ tướng Campuchia khẳng định.
Trong khi đó, trước những diễn biến đang diễn ra ở Ukraine, ông Ismail Sabri Yaakob cho rằng: "Ưu tiên của Chính phủ Malaysia vào thời điểm này là đảm bảo các gia đình Malaysia ở Ukraine được an toàn".
Hãng tin The Star Online dẫn lời ông Ismail Sabri Yaakob nói thêm: "Malaysia hy vọng rằng, một giải pháp hòa bình tốt nhất có thể giữa Ukraine và Nga có thể sớm đạt được, và sau đó giải quyết thành công cuộc xung đột này".
Trong một động thái liên quan cùng ngày 24/2, Indonesia cũng bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột vũ trang leo thang ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho hay, Indonesia thúc giục tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ) về sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Bên cạnh đó, Indonesia tái khẳng định, tất cả các bên cần ưu tiên các cuộc đàm phán và ngoại giao, để chấm dứt xung đột và tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Tại Philippines, Quyền phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Karlo Nograles cho biết, sự an toàn của người dân Philippines ở Ukraine vẫn là điều quan trọng nhất đối với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 24/2 kêu gọi người dân Philippines ở Ukraine không hoang mang, và thận trọng. “Chính phủ Philippines, thông qua Bộ Ngoại giao, đang tiến hành các nỗ lực hồi hương người dân Philippines sống tại Ukraine”, ông Karlo Nograles nói thêm.
Cùng ngày 24/2, Hãng Thông tấn The Nation dẫn lời phát ngôn viên Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) Prapas Sornjaidee cho biết, Không quân Hoàng gia Thái Lan cũng đang chuẩn bị các chuyến bay thuê chuyến và máy bay chở hàng quân sự cho khả năng sơ tán công dân Thái Lan ở Ukraine.
Trước đó vào sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladmir Putin đã thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Theo TTXVN, trả lời câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước về phản ứng của Việt Nam trước tình hình Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới”.
Lê Thảo (Tổng hợp và lược dịch từ The Straits Times, Bernama & TASS)