Thế giới

Campuchia ghi nhận ca tử vong thứ ba vì cúm gia cầm

ClockThứ Ba, 10/10/2023 10:25
TTH.VN - Tối qua (9/10), Bộ Y tế Campuchia thông báo một bé gái 2 tuổi ở tỉnh Prey Veng, phía đông nam Campuchia đã chết vì cúm gia cầm H5N1, trở thành ca tử vong thứ hai được ghi nhận ở nước này trong 2 ngày qua.

Campuchia: Không có sự lây truyền từ người sang người trong các ca mắc cúm gia cầm gần đây Hàng nghìn con chim tại Campuchia bị chết vì cúm H5N1

 Campuchia đã ghi nhận 3 ca tử vong vì cúm gia cầm từ đầu năm đến nay. Ảnh: Reuters/Laodong

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Y tế Campuchia cho biết đứa trẻ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm H5N1 vào hôm qua mà không nêu rõ thời gian bé qua đời. Ngay sau đó, Tamiflu (oseltamivir) - một loại thuốc kháng virus nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm lây lan, đã được phân phát cho những người tiếp xúc trực tiếp với cô bé.

Một ngày trước đó (hôm 8/10), một người đàn ông 50 tuổi cũng đã chết vì virus H5N1 ở tỉnh Svay Rieng lân cận, các nhà chức trách cho hay.

Đây là các ca tử vong thứ 2 và thứ 3 vì cúm gia cầm được xác nhận ở Campuchia trong năm nay sau khi một đứa trẻ 11 tuổi chết hồi tháng 2. Ca tử vong mới nhất này cũng là bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm thứ 59 được ghi nhận kể từ khi virus này tấn công Campuchia hai thập kỷ trước.

Bộ Y tế Campuchia cho biết thêm rằng một số con gà đã chết tại nhà của đứa trẻ 2 tuổi nói trên, và vụ việc đang được điều tra thêm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm H5N1 là bệnh cúm thường lây lan giữa các gia cầm bị bệnh nhưng đôi khi nó có thể lây từ gia cầm sang người.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Campuchia, một số ít trường hợp nhiễm virus A(H5N1) lẻ tẻ ở người đã được xác định từ năm 2022, bên cạnh sự bùng phát toàn cầu của virus cúm gia cầm (HPAI) A(H5N1) độc lực cao ở các loài chim và gia cầm hoang dã.

Gần như tất cả các ca bệnh ở người được báo cáo kể từ năm 2022 đều có liên quan đến phơi nhiễm với gia cầm và không xác định được trường hợp nào lây truyền virus HPAI A(H5N1) từ động vật có vú sang người hoặc từ người sang người. Trong một số trường hợp, nguồn phơi nhiễm với virus HPAI A(H5N1) vẫn chưa được xác định rõ.

Đến nay, virus HPAI A(H5N1) đang lưu hành ở chim và gia cầm, sau đó lan sang động vật có vú và những virus gây nhiễm trùng ở người không thể dễ dàng liên kết với các thụ thể chiếm ưu thế ở đường hô hấp trên của con người.

Do đó, hiện tại nguy cơ đối với cộng đồng do virus HPAI A(H5N1) vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, dự đoán sẽ có những ca lây nhiễm lẻ tẻ ở người tiếp tục xảy ra do khả năng virus cúm tiến hóa nhanh chóng và sự lây lan rộng rãi trên toàn cầu của virus HPAI A(H5N1) ở các đợt bùng phát dịch ở chim và gia cầm hoang dã.

Trước đó, khi virus này được phát hiện ở động vật có vú, WHO đã kêu gọi người dân cảnh giác, nhưng nhấn mạnh nguy cơ đối với con người là thấp.

Với ca tử vong mới này, Bộ Y tế Campuchia một lần nữa kêu gọi dân làng cảnh giác với H5N1 và không ăn thịt gia cầm không khỏe hoặc bệnh chết.

Giới chức Campuchia cũng cảnh báo loại virus này “vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em”.

Kể từ cuối năm 2021, châu Âu đã phải hứng chịu đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay, trong khi Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng trải qua những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.

Tình trạng này đã dẫn tới việc tiêu hủy hàng chục triệu gia cầm nuôi trên toàn thế giới, trong đó có nhiều con mang chủng H5N1. Sự bùng phát toàn cầu cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng chục nghìn loài chim hoang dã.

Việc phát hiện căn bệnh này ở một số loài động vật có vú gần đây, bao gồm cáo, rái cá, chồn, sư tử biển và thậm chí cả gấu xám, đã làm dấy lên mối lo ngại rằng con người có thể gặp nhiều nguy cơ hơn vì cúm gia cầm H5N1.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & Khmertimes)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Đồ ăn chó Đồ ăn khô cho chó

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không chủ quan với bệnh liên cầu lợn

Ngày 11/10, báo cáo bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh ghi nhận thêm ca bệnh liên cầu lợn (LCL) tại phường Hương Xuân, TX. Hương Trà. Điều này thêm một lần nữa lên tiếng cảnh báo người dân tuyệt đối không chủ quan với bệnh này, vì nó có tỷ lệ gây tử vong rất cao.

Không chủ quan với bệnh liên cầu lợn
Return to top