Các máy bay đậu tại sân bay quốc tế Incheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN
Tạp chí Bloomberg ngày hôm nay (15/7) dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định, phải đến năm 2024, các hoạt động đi lại bằng đường hàng không quốc tế trong khu vực mới đạt đến mức trước đại dịch, muộn hơn 1 năm sau khi lưu lượng hàng không toàn cầu đạt được cột mốc đó.
Tương tự, Công ty tư vấn Energy Aspects cho biết, mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay sẽ chỉ đạt mức được ghi nhận trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2023-2024.
Theo đó, tỷ lệ chủng ngừa thấp ở nhiều quốc gia, thách thức gây ra bởi biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, cũng như các đợt phong toả liên tục đã trì hoãn sự phục hồi. Tất cả những điều này đồng nghĩa rằng, ngành công nghiệp hàng không của châu Á khó có thể hỗ trợ đáng kể cho các nhà máy lọc dầu gặp khó khăn trong khu vực, nơi chế biến dầu thô từ Trung Đông và những nơi khác thành nhiên liệu.
Trong một động thái liên quan, ông Mayur Patel, Giám đốc kinh doanh khu vực tại Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty phân tích hàng không OAG cho hay, cả Bắc Mỹ và châu Âu đều chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ trong những kỳ nghỉ, với việc Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các yêu cầu về cách ly và phong toả. "Đáng buồn thay, điều tương tự không thể xảy ra đối với châu Á”, ông Mayur Patel nói thêm.
Chỉ trong tuần này, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã vượt Ấn Độ về số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày, đánh dấu một tâm chấn mới của đợt bùng phát biến thể Delta. Ở một diễn biến khác, Malaysia đang phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian gần đây; thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng quyết định áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất; trong khi đó, Nhật Bản đang chuẩn bị để đăng cai Thế vận hội Olympic mà không có khán giả.
Cũng theo Energy Aspects, việc sử dụng nhiên liệu máy bay của khu vực châu Á chiếm 1/3 lượng tiêu thụ toàn cầu vào năm 2019.
Ngoài ra, nhà phân tích George Dix thông tin thêm, hiện tại, tổng số chuyến bay của khu vực, cả nội địa và quốc tế, đạt 70% mức trước đại dịch; song, nếu không tính cả Trung Quốc thì chỉ đạt 40%. "Chúng tôi hiện dự đoán nhu cầu máy bay của châu Á sẽ không đạt được mức trước đại dịch cho đến năm 2023-2024, mặc dù du lịch nội địa sẽ phần lớn phục hồi vào cuối năm 2022", ông George Dix cho hay.
Tiếp đó, chuyên gia Sri Paravaikkarasu thuộc Công ty tư vấn năng lượng FGE nhấn mạnh: “Việc phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch hàng không quốc tế sẽ còn một chặng đường dài ở phía trước".
Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg)