|
Người tiêu dùng đang tìm kiếm những sản phẩm mang dấu ấn văn hóa địa phương. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức |
Những sản phẩm địa phương này thường được bày bán trên khắp các kệ hàng ở châu Á, bên cạnh khoai tây chiên hương vị truyền thống, như vị thịt nướng hoặc vị muối và chúng ngày càng thu hút cái nhìn và khẩu vị của người tiêu dùng. Những sản phẩm ăn uống mang hương vị đặc trưng của ẩm thực quốc gia là một nghiên cứu điển hình về bản chất thay đổi của toàn cầu hóa, với các công ty đa quốc gia đang thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, sử dụng công nghệ mới để đáp ứng thị hiếu của người dân địa phương và đặt cược vào bản địa hóa để tìm kiếm khách hàng mới và giành thị phần.
Chiến dịch ra đời khi người tiêu dùng ở châu Á không còn chỉ tìm kiếm sản phẩm, họ đang tìm kiếm những trải nghiệm mang tính cá nhân, có ý nghĩa và ăn sâu vào bản sắc văn hóa của họ. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua một nghiên cứu vừa được công bố của McKinsey, cho thấy 71% người tiêu dùng mong đợi các công ty cung cấp tương tác được cá nhân hóa và 76% cảm thấy thất vọng khi điều này không xảy ra. Bản địa hóa là một dạng cá nhân hóa, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng muốn mua và trải nghiệm hương vị quen thuộc của quê nhà.
Từ dữ liệu thống kê, tác động của châu Á đối với kinh doanh toàn cầu không chỉ đơn giản là một xu hướng, mà còn là một thế lực kinh tế và văn hóa đang tiếp tục phát triển. Thị phần chi tiêu tiêu dùng của khu vực này trên thế giới dự kiến sẽ tăng đáng kể trong thập kỷ tới. Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm từ 1/3 - 1/2 GDP toàn cầu và dự kiến sẽ chiếm gần 2/3 tầng lớp trung lưu thế giới vào năm 2030.
Ảnh hưởng văn hóa của châu Á cũng đang lan rộng khi tính riêng năm 2023, hơn 60% người dùng Netflix trên toàn cầu đã xem ít nhất một bộ phim Hàn Quốc trên dịch vụ phát trực tuyến của nền tảng, bao gồm các tựa phim bom tấn như Squid Game (Trò chơi con mực). Ẩm thực châu Á có thể nhận xét là nổi bật trong số các nhà hàng được gắn sao Michelin, với Nhật Bản là quốc gia có nhiều nhà hàng nhất được trao giải thưởng này, chỉ sau Pháp.
Ở thị trường trong nước, sự cạnh tranh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống rất gay gắt. Hầu như mọi thị trường đều có nền văn hóa ẩm thực địa phương mạnh mẽ và bữa tối tại một cửa hàng địa phương thường rẻ hơn so với một nhà hàng thức ăn nhanh. Cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thực phẩm địa phương vẫn duy trì được thị phần đáng kể, mặc dù các doanh nghiệp toàn cầu đã có mặt tại khu vực này trong nhiều thập kỷ.
Đó là lý do tại sao việc giải mã khẩu vị địa phương là con át chủ bài đối với các công ty toàn cầu. Đơn cử, chuỗi siêu thị chuyên bán lẻ Sam’s Club của Walmart (Mỹ) đã trở thành một trong những doanh nghiệp tạp hóa phát triển nhanh nhất Trung Quốc một phần vì tập trung phát triển sản phẩm và nhãn hiệu riêng, trong đó có các sản phẩm đề cao hương vị đặc biệt của những thành phần thường thấy trong nhà bếp của các gia đình Trung Quốc và các món ngon địa phương như lạp xưởng Trung Quốc, táo tàu, dimsum… Hiện chuỗi siêu thị bán lẻ Sam’s Club có 48 cơ sở tại Trung Quốc, vượt xa các thương hiệu nước ngoài tương tự và trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Walmart.
Mặc dù có nhiều thành công, song cũng có nhiều công ty không đánh giá được những sắc thái của thị trường địa phương. Hiểu được chìa khóa, đó là lý do tại sao nghiên cứu thị trường là một phần cốt lõi của quá trình bản địa hóa. Đây là lúc dữ liệu và các công cụ kỹ thuật số phát huy tác dụng. Bằng cách theo dõi các giao dịch mua hàng theo từng thói quen của người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có thể dự trữ và phát triển các sản phẩm phù hợp, chính xác với sở thích và hương vị của người dân địa phương. Các công ty thực phẩm ngày càng tận dụng các mô phỏng do AI thực hiện, được hỗ trợ bởi máy học (machine learning) để thử nghiệm các sản phẩm kết hợp hương vị. Điều này cho phép doanh nghiệp điều chỉnh trước khi đi vào sản xuất hàng loạt mà không cần thử nghiệm thực tế tốn kém…
Với nhiều biện pháp, từ địa phương hóa, tăng cường dấu ấn văn hóa ngay trên bao bì, ghi dấu hương vị đặc trưng… Các doanh nghiệp ngày nay chỉ có thể tồn tại khi họ học hỏi và tôn vinh sự đa dạng toàn cầu. Và vì sự đa dạng là gia vị của cuộc sống, nên khi thích ứng, doanh nghiệp sẽ ngày càng có nhiều khách hàng hơn. Về cơ bản, cơ hội kinh doanh thành công là rộng mở khi người tiêu dùng có thể tìm thấy mì tomyum của Thái Lan trong một siêu thị ở Mỹ và đồ uống châu Á tại châu Âu. Sự gia tăng của mì ramen Hàn Quốc và trà sữa Đài Loan ở phương Tây cho thấy Châu Á đang biến thế giới trở thành một nơi có nhiều hương vị hơn như thế nào. Đó không chỉ là một hoạt động kinh doanh tốt mà đó còn là cách để gắn kết mọi người lại với nhau.