Thế giới

Châu Á: Khủng hoảng sức khỏe do khí hậu gióng lên cảnh báo trước thềm COP28

ClockChủ Nhật, 03/12/2023 07:46
TTH - Năm 2023 có khả năng sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới, và ảnh hưởng đối với cơ thể con người là rất nặng nề. Nhiệt độ cao kỷ lục có thể gây đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Muỗi mang mầm bệnh sinh sôi sau những trận mưa xối xả và lũ lụt tàn khốc. Không khí ô nhiễm gây khó thở và các bệnh về đường hô hấp. Những tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đi kèm với biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến các cộng đồng trên toàn cầu.

COP28: Đông Nam Á sẽ đối diện với cả thách thức và cơ hộiThủ tướng tới Dubai, bắt đầu tham dự COP28 và các hoạt động song phương tại UAE

 Người dân đi bộ giữa thời tiết nắng nóng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trong khi đó, tác động đối với châu Á vốn đã rất sâu sắc. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), lục địa này đã ấm lên với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu trong 30 năm qua do có diện tích đất liền khổng lồ. Trong một báo cáo được công bố năm 2022, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) cho biết, nhiều người dân ở châu Á đang tử vong hoặc ngã bệnh hơn bao giờ hết do nhiệt độ cao.

Căng thẳng về nhiệt là một trong nhiều rủi ro về sức khỏe. Sốt xuất huyết và sốt rét đang gia tăng ở Thái Lan và Malaysia, trong khi các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí đang tăng tại Indonesia. Cũng theo báo cáo của IPCC, ngay cả những rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu cũng có liên quan đến biến đổi khí hậu.

“Những tác động mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay có thể chỉ là dấu hiệu của một tương lai rất nguy hiểm, trừ khi chúng ta giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách khẩn cấp”, bà Marina Romanello, Giám đốc Điều hành của Lancet Countdown, tổ chức chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sức khỏe cảnh báo.

Tháng 12 tới đây, cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng Y tế và các quan chức y tế cấp cao sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến có sự tham gia của các đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia. Được biết, COP28 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 - 12/12 tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Sóng nhiệt

Theo báo cáo được WMO công bố trong tháng 11 này, nắng nóng cực đoan là loại thời tiết khắc nghiệt nguy hiểm nhất. Trong giai đoạn 2000 - 2019, mỗi năm ước tính có khoảng 489.000 người tử vong do nắng nóng; trong đó, châu Á phải chịu gánh nặng đặc biệt cao, chiếm 45% số ca tử vong. Nhiệt độ cao bất thường có thể khiến con người mắc những căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm như kiệt sức vì nóng và sốc nhiệt; và cũng có thể góp phần gây tử vong do đau tim và các bệnh tim khác, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).

Sóng nhiệt khắc nghiệt trong mùa Hè năm nay đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tại miền Bắc Nhật Bản. Khu vực này đã phải xử lý 12.032 trường hợp nhập viện cấp cứu do sốc nhiệt từ tháng 5 - 9, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho hay.

Trong tháng 4 năm nay, Ấn Độ, Bangladesh, Lào và Thái Lan cũng phải hứng chịu mức nhiệt cao bất thường, “phần lớn là do biến đổi khí hậu”, theo một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc World Weather Attribution (WWA), tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Sốt xuất huyết và sốt rét

Những rủi ro gián tiếp của nắng nóng cực đoan cũng nguy hiểm không kém. Nhiệt độ tăng đột biến trong mùa Hè năm nay dọc biên giới Thái Lan - Myanmar đã thúc đẩy số lượng muỗi mang mầm bệnh. Các tỉnh biên giới bao gồm Tak, Mae Hong Son và Kanchanaburi ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết và sốt rét cao nhất trong năm nay. Được biết, Thái Lan ngày 15/4 đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất mọi thời đại ở mức 44 độ C ở Tak.

Sốt xuất huyết và sốt rét vốn đã lưu hành ở nhiều quốc gia châu Á, và đang nhanh chóng lan rộng khi nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm tăng cao, tạo ra môi trường sống mới thích hợp cho muỗi mang virus và ký sinh trùng gây bệnh.

Không còn thời gian để lãng phí

WMO cảnh báo, năm 2024 có thể “thậm chí còn ấm hơn” so với năm 2023, với nhiều hơn những đợt sóng nhiệt dữ dội, mưa lớn và các hiện tượng cực đoan khác ở một số khu vực. Trong khi tác động của El Nino là một phần nguyên nhân, thì “điều này rõ ràng là do sự góp phần của nồng độ khí nhà kính giữ nhiệt gia tăng từ các hoạt động của con người”, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas lưu ý.

Theo Chủ tịch COP28, các quan chức y tế dự kiến sẽ thảo luận về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe, những cách để xây dựng hệ thống y tế thích ứng với khí hậu và cách huy động đầu tư vào y tế.

“Thách thức biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn hơn, nhưng các giải pháp đang ngày càng tốt hơn. Nếu chúng ta hành động nhanh chóng, chúng ta có thể giải quyết những căn bệnh này, để biến đổi khí hậu không làm chúng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian”, ông Martin Edlund, Giám đốc Điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Malaria No More nhận định.

Từ việc xây dựng một hệ thống y tế linh hoạt và khử carbon, tăng cường tài trợ y tế, đến đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, “còn rất nhiều việc nên làm, nhất là khi chúng ta hướng tới COP28”, bà Marina Romanello kết luận.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Return to top