|
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất ô tô tại Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo số liệu từ S&P Global Market Intelligence, tại Đông Á, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua đã cho thấy mức tăng nhẹ, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 4 năm nay. Cũng trong tháng 11, xuất khẩu của Hàn Quốc ghi nhận mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu chất bán dẫn kết thúc 15 tháng suy giảm liên tiếp, đạt mức tăng trưởng 12,9%.
Tiếp đó, nền kinh tế Singapore đang kết thúc năm 2023 một cách thành công, với sản lượng của ngành sản xuất tăng trở lại 7,4% so với cùng kỳ vào tháng 10/2023, sau 12 tháng liên tiếp sụt giảm. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp ở Ấn Độ tiếp tục cho thấy động lực mạnh mẽ trong năm 2023, tăng 11,7% so với cùng kỳ trong tháng 10.
Đáng chú ý, triển vọng cho năm 2024 tiếp tục mở rộng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở nhiều nền kinh tế Đông Á, cũng như Ấn Độ hỗ trợ tăng trưởng ngành sản xuất, nhờ sự phục hồi liên tục trong lĩnh vực điện tử quan trọng.
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Sự mở rộng mạnh mẽ được tiếp tục của thị trường tiêu dùng nội địa tại các nền kinh tế lớn trong khu vực, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng hơn nữa trong thương mại nội khối châu Á - Thái Bình Dương về nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian và sản phẩm chế tạo cuối cùng”.
Trong đó, ngành sản xuất điện tử là một phần quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu sản xuất của nhiều nền kinh tế châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Việt Nam... Hơn nữa, chuỗi cung ứng điện tử được kết nối chặt chẽ giữa các nền kinh tế khác nhau ở Đông Á. Điều này bao gồm việc triển khai 5G tiếp tục trong 5 năm tới, sẽ thúc đẩy nhu cầu về điện thoại di động 5G, cũng như tăng trưởng nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử do tác động của trí tuệ nhân tạo (AI).
Các trung tâm sản xuất ô tô tại châu Á - Thái Bình Dương cũng đang hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi toàn cầu sang xe điện, điều này đang thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu xe điện được sản xuất tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Indonesia cũng hưởng lợi từ những dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ từ các công ty đa quốc gia để xây dựng những nhà máy pin xe điện mới.
Ngoài ra, sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu cũng dự kiến sẽ được củng cố nhờ cấu trúc tự do hóa thương mại khu vực; bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như mạng lưới các hiệp định thương mại tự do song phương lớn ngày càng tăng, với sự tham gia của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.