Thế giới

Châu Á thận trọng khi từng bước hoạt động trở lại

ClockChủ Nhật, 02/08/2020 07:30
TTH - Đại dịch COVID-19 đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng. Nhiều quốc gia đã áp đặt các hạn chế chặt chẽ đối với việc đi lại, đóng cửa nhiều trường học và nơi làm việc, áp đặt các quy tắc giãn cách xã hội. Những biện pháp này đã gây tác động không nhỏ và làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế ở các nước. Mặc dù có những chính sách phản ứng kịp thời trên quy mô lớn, nhiều quốc gia Đông Nam Á hiện vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ triển vọng kinh tế giảm mạnh.

Châu Á nỗ lực đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần 2

Giãn cách xã hội vẫn được coi là biện pháp hữu ích để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Ảnh minh họa: BBC/Vnet

Đến nay, khi số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm dần ở một số khu vực, nhiều quốc gia châu Á đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nền kinh tế hoạt động trở lại một cách an toàn trong bối cảnh hiện tại. Theo các chuyên gia, trước hết nên nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực ưu tiên mang lại lợi ích cao cho nền kinh tế và có nguy cơ lây nhiễm thấp. Ngoài ra, có thể mở dần các hoạt động kinh doanh theo khu vực, trong đó những nơi đã kiểm soát được dịch bệnh có thể được mở cửa đầu tiên.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, bất kể tiến hành cách tiếp cận nào để mở cửa lại đi nữa thì các biện pháp giãn cách vật lý vẫn sẽ được duy trì thêm một thời gian, ít nhất là cho đến khi có vaccine COVID-19. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ, phần lớn sự lây nhiễm có thể xảy ra từ các bệnh nhân chưa phát triệu chứng hoặc không có triệu chứng, do đó, dựa vào việc kiểm dịch từ những người có triệu chứng có thể là không đủ. Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào mở cửa trở lại sẽ phải thay đổi hoạt động đáng kể để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm COVID-19.

Thận trọng để đảm bảo sức khỏe

Các khuyến nghị được đưa ra để hoạt động kinh tế trở lại đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe của người lao động và giảm thiểu rủi ro lây nhiễm bệnh. Để thích nghi với thế giới hậu COVID-19, điều mấu chốt là phải làm tăng niềm tin giữa các chủ doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng rằng, có một hệ thống hiệu quả để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh khi quay trở lại hoạt động bình thường.

Vì vậy, các nhà chức trách phải xem xét các yếu tố xác định nguy cơ lây nhiễm trong các lĩnh vực mở cửa hoạt động trở lại, bao gồm sự tiếp xúc giữa người với người, thời gian và môi trường tiếp xúc...

Trong các nhà máy hoặc văn phòng, áp dụng các biện pháp giãn cách vật lý đồng nghĩa với việc làm giảm khả năng đón nhận nhân viên đến làm việc trở lại. Điều này sẽ làm tăng chi phí và thách thức khả năng tồn tại của nhiều doanh nghiệp khi đòi hỏi doanh nghiệp phải thiết kế lại không gian làm việc hoặc không gian bán lẻ hiện tại mà họ đang có. Một trong những giải pháp được đánh giá cao ở các văn phòng là để nhân viên luân phiên đến làm việc, đồng thời khuyến khích làm việc từ xa, trong khi các cửa hàng có thể áp dụng hình thức mua bán trực tuyến, không cần đến nơi trực tiếp.

Tận dụng công nghệ số hóa

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh thông thường, một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 là giáo dục. Theo UNESCO, tính đến ngày 20/7, có gần 1,1 tỷ người học bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa hoặc các lệnh phong toả diện rộng. Để hoạt động trở lại, các trường học và đại học theo đó sẽ phải thích nghi và điều chỉnh theo thực tế sau COVID-19.

Theo ADB, điều này đòi hỏi phải áp dụng các chiến lược dựa trên các công nghệ khác nhau như là một lựa chọn thay thế cho các lớp học truyền thống được thiết lập để duy trì tính khả thi trong kỷ nguyên hậu đại dịch. Thực tế, đã có sự gia tăng đột biến trong các giải pháp học tập kỹ thuật số sau COVID-19 như ứng dụng ngôn ngữ, dạy kèm ảo, hay các phần mềm học tập trực tuyến. Thậm chí, một số quốc gia bị hạn chế trong việc kết nối internet còn sử dụng các chương trình radio và truyền hình quốc gia để phát các bài học và tài liệu giáo dục ở trường.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực khác cũng sẽ phải thích ứng với các biện pháp giãn cách vật lý là giao thông công cộng. Nhu cầu giao thông công cộng đã giảm mạnh trong đại dịch khi hệ thống này được coi là môi trường có rủi ro cao do có nhiều người trong một không gian bị giới hạn, hệ thống thông gió hạn chế, không có kiểm soát để xác định người có khả năng bị bệnh và nhiều bề mặt tiếp túc (như máy bán vé, tay vịn, tay nắm cửa...). Tuy nhiên, duy trì giao thông công cộng hiệu quả là điều rất quan trọng để duy trì hoạt động cho nhiều thành phố. Do đó, nhiều chính quyền đã mở rộng các biện pháp khử trùng, sử dụng robot tự động để phun thuốc sát khuẩn và yêu cầu mang khẩu trang đối với hành khách để hạn chế sự lây lan của virus.

Những điều này có ý nghĩa gì đối với các nhà hoạch định chính sách? Theo các chuyên gia của ADB, nó cho thấy rằng mặc dù chính quyền có thể có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tất cả các công ty duy trì hoạt động ban đầu, nhưng tác động của COVID-19 dường như sẽ tạo ra những thay đổi dài hạn. Điều này có nghĩa là các biện pháp hỗ trợ sẽ phải chuyển từ hỗ trợ thanh khoản sang hỗ trợ các công ty khi họ dịch chuyển sang mô hình kinh doanh mới. Ví dụ, với dịch vụ giao nhận thực phẩm trong đại dịch thì việc giúp các nhà hàng số hóa sẽ là chìa khóa để tiếp tục hoạt động. Các chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, từ đó có thể giúp vực dậy và phát triển các nền kinh tế.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ ADB & AsiaOne)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á: Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu

Trong một thế giới ngày càng kết nối, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động toàn cầu, bao gồm cả châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh của ngành vận tải biển, châu lục này vẫn là khu vực kết nối tốt nhất với các mạng lưới vận tải trên toàn thế giới, đánh giá mới nhất về vận tải biển năm 2024 vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố nêu rõ.

Châu Á Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu
Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông
Return to top