|
Chỉ có 3,88 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra và nuôi sống ở EU trong năm 2023, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 1960: Ảnh: DPA |
Song song đó, tỷ lệ sinh - được định nghĩa là số con bình quân được sinh ra và nuôi sống của một người phụ nữ trong suốt đời, ở EU cũng giảm. Đây là một trong những khu vực có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, với mức trung bình của toàn EU là 1,46 con/phụ nữ vào năm 2022, thấp hơn khá nhiều so với mức cần thiết để duy trì quy mô dân số ổn định trên toàn cầu là khoảng 2,2 con/phụ nữ. Tỷ lệ sinh này cũng thay đổi đáng kể trong khu vực, dao động từ chỉ 1,08 con/phụ nữ ở Malta cho tới 1,79 con/phụ nữ ở Pháp, dữ liệu từ văn phòng thống kê của EU (Eurostat) cho thấy.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tỷ lệ sinh ở EU năm 1970 là 2,35 con/phụ nữ - mức cao nhất được ghi nhận trước khi giảm xuống mức thấp nhất vào cuối những năm 1990, chạm đáy ở mức 1,4 vào năm 1998 và sau đó bắt đầu tăng dần, đạt mức cao nhất gần đây là 1,57 vào năm 2016.
Tỷ lệ sinh đã thay đổi đáng kể ở các nước EU trong 20 năm qua, giảm ở 13 trong số 27 quốc gia thành viên EU từ năm 2002 đến năm 2022, trong đó Ireland và Phần Lan báo cáo tỷ lệ sinh giảm đáng kể nhất, mỗi quốc gia giảm hơn 0,4 điểm, tương ứng mức giảm hơn 20%.
Theo dữ liệu của WB, vào năm 2021, EU báo cáo tỷ lệ sinh là 1,52 con/phụ nữ, thấp thứ 2 thế giới chỉ sau khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (1,49). Trong khi đó, Tây và Trung Phi có tỷ suất sinh cao nhất là 4,98, tiếp theo là Đông và Nam Phi với 4,35 con/phụ nữ.
Được biết, tỷ lệ sinh trung bình toàn cầu hiện ở mức 2,27 con/phụ nữ, và kể từ năm 1970, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm đáng kể ở hầu hết các khu vực, mặc dù mức giảm này ở châu Phi rất chậm.
Theo các nhà nhân khẩu học, sự sụt giảm trong tỷ lệ sinh đang kéo theo những lo ngại về sự suy giảm lực lượng lao động và các quỹ hưu trí có thể rơi vào khủng hoảng tài chính. Đồng thời, điều này cũng đang tác động lớn tới cuộc sống của con người, sự phát triển của các nền kinh tế và thậm chí cả vị thế của nhiều nước siêu cường. Nhiều chính phủ đã xem đây là một vấn đề “cấp bách quốc gia”.