Thế giới

Châu Âu: Tiếp tục tìm kiếm những người sống sót sau trận "đại hồng thủy"

ClockThứ Bảy, 17/07/2021 15:36
TTH.VN - Theo Tờ Reuters, các nhân viên cứu hộ Đức ngày hôm nay (17/7) tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người sống sót ở miền Tây nước Đức, nơi bị lũ lụt tàn phá, trong bối cảnh mực nước tại nhiều thị trấn vẫn ở mức cao, và nhà cửa tiếp tục bị sập đổ trong thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của quốc gia này trong 1/2 thế kỷ.

Châu Âu trải qua thời kỳ lũ lụt tồi tệ nhất trong 500 nămBiến đổi khí hậu “làm thay đổi chu trình lũ lụt ở châu Âu”Ít nhất 68 người thiệt mạng do mưa lũ ở Đức, Bỉ

Nước lũ tàn phá nhiều ngôi nhà của người dân ở khu vực miền Tây nước Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo các ước tính của cảnh sát Đức trong ngày 17/7, ít nhất 133 người đã thiệt mạng trong trận lũ, với khoảng 90 người ở huyện Ahrweiler. Hàng trăm người khác vẫn đang mất tích. Trước đó vào tối 16/7, khoảng 700 cư dân đã được sơ tán, sau khi một con đập bị vỡ ở thị trấn Wassenberg.

Trong khi đó, Tờ AFP đưa tin, lực lượng quân đội và nhân viên cứu hỏa đã được điều động để hỗ trợ người dân dọn dẹp, phục hồi sau những trận lũ tồi tệ nhất xảy ra ở Tây Âu trong nhiều thập kỷ, khiến hơn 150 người thiệt mạng.

Lực lượng cứu hộ Đức cho biết, thêm nhiều thi thể có khả năng sẽ được tìm thấy trong những căn hầm ẩm ướt, khi công tác dọn dẹp được tiến hành. Tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Đức là North Rhine-Westphalia và Rhineland-Palatinate, những người dân chạy trốn cơn "đại hồng thủy" đang dần trở về nhà.

Ở những khu vực bị ảnh hưởng, lực lượng cứu hỏa, quan chức và các binh sĩ địa phương đã bắt đầu công việc dọn dẹp khổng lồ những đống mảnh vỡ gây tắc nghẽn đường phố. Quy mô thực sự của thảm họa giờ mới trở nên rõ ràng, khi các tòa nhà bị hư hại đang được đánh giá, một số trong đó sẽ phải phá bỏ; và nỗ lực đang được tiến hành để khôi phục các dịch vụ khí đốt, điện và điện thoại.

Chính phủ Đức tuyên bố, họ đang nỗ lực thành lập một quỹ viện trợ đặc biệt, khi chi phí thiệt hại dự kiến ​​lên tới vài tỷ euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vừa trở về từ chuyến công du tới Washington, cam kết sẽ cung cấp "hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn từ Chính phủ".

Trong khi khu vực ở miền Tây nước Đức phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng nhất của trận lũ, thảm họa thiên nhiên cũng đã xảy ra ở Bỉ, Luxembourg, và Hà Lan, khiến đường phố và nhà cửa chìm trong nước bùn và cô lập toàn bộ các cộng đồng.

Tại Luxembourg và Hà Lan, những trận mưa lớn gây ảnh hưởng, làm ngập lụt nhiều khu vực và buộc hàng nghìn người ở thành phố Maastricht (Hà Lan) phải sơ tán.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho rằng, tình hình ở nhiều nơi trên đất nước là "bi thảm"; đồng thời nhận định, thiệt hại tài chính ở mức "khổng lồ". Qua đó, ông Xavier Bettel cam kết gói viện trợ ngay lập tức ban đầu, với trị giá 50 triệu euro cho các công dân hứng chịu thiệt hại trong các trận lũ.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Return to top