Thứ Sáu, 11/08/2017 14:43
(GMT+7)
Biến đổi khí hậu “làm thay đổi chu trình lũ lụt ở châu Âu”
TTH.VN - Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi chu trình lũ lụt trên các con sông ở châu Âu trong 50 năm qua, gây ra các vụ ngập lụt sớm hơn ở phía đông bắc và sau đó là các khu vực Địa Trung Hải.
Lũ lụt ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP
Lũ lụt ảnh hưởng đến nhiều người dân trên toàn thế giới hơn bất kỳ mối nguy hiểm tự nhiên nào khác. Theo ước tính của Liên Hiệp quốc (LHQ), con số thiệt hại mà lũ lụt gây ra lên đến 104 tỷ USD/năm. Dự đoán thời điểm xảy ra lũ lụt có thể giúp bảo vệ con người và đưa ra được chỉ dẫn cho việc trồng cây nông nghiệp, thủy lợi và thủy điện.
Tác giả chính của nghiên cứu - ông Guenter Bloeschl của Đại học Công nghệ Vienna nhấn mạnh rằng, "biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chu kỳ ngập lụt ở châu Âu... Nhưng chúng diễn ra theo những cách rất khác nhau ở các khu vực khác nhau của châu Âu".
Nhóm nghiên cứu quốc tế của ông đã nghiên cứu dữ liệu các con sông ở khắp châu Âu từ hơn 4.200 trạm đo từ năm 1960-2010 và cho biết đâu là những phát hiện đầu tiên liên kết sự nóng lên toàn cầu đối với lũ lụt trên khắp lục địa này.
Sergio Castellari, chuyên gia về lũ lụt của Cơ quan Môi trường châu Âu cho rằng, nghiên cứu về chu kỳ ngập lụt là một cách tiếp cận "rất hứa hẹn" để phát hiện những tác động của biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, các nghiên cứu về khí hậu thường tập trung vào sự thay đổi mức độ trầm trọng của lũ lụt bởi các yếu tố khác ngoài sự gia tăng nhiệt độ, liên quan đến phát thải khí nhà kính do con người tạo ra.
Ví dụ, một số công trình của con người đã khiến nhiều con sông bị thu nhỏ lại để nhường chỗ cho các thành phố, làm trầm trọng thêm nguy cơ ngập lụt. Đồng thời, nước mưa chảy xuống các con sông từ những mặt đường bê tông cũng nhanh hơn nhiều so với khi chảy từ những cánh đồng hoặc rừng cây, khiến lũ lụt càng dễ xảy ra hơn...
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & PressTV)