Burundi dẫn đầu danh sách Top 10 cuộc khủng hoảng bị truyền thông lãng quên do tác động của COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN
CARE đã phân tích và xếp hạng 10 cuộc khủng hoảng nhân đạo có số lượng bài báo trực tuyến đề cập đến chúng thấp nhất: “10 cuộc khủng hoảng này nhận được ít sự chú ý hơn 26 lần - xét về các bài báo trực tuyến - so với sự ra mắt của PlayStation 5.”
Sáu quốc gia châu Phi lọt vào danh sách này, có chung tình trạng bất ổn, từ di dời nội bộ, đói và suy dinh dưỡng, và nghèo kinh niên. Burundi, quốc gia nghèo thứ năm trên thế giới, đứng đầu danh sách với 2,5 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo và là một trong những quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng mãn tính cao nhất thế giới.
“Cộng hòa Trung Phi (CAR), Madagascar, Mali và Burundi đã xuất hiện trong danh sách trong nhiều năm, nhưng người dân ở các quốc gia này không được truyền thông chú ý đầy đủ,” báo cáo cho biết. “Mặc dù có các mỏ khoáng sản quan trọng bao gồm vàng, kim cương và uranium, cũng như đất canh tác phong phú, nhưng CAR vẫn đứng ở vị trí cuối cùng trong Chỉ số Phát triển Con người năm 2019.”
Pakistan, đứng thứ bảy trong danh sách và là quốc gia đông dân thứ năm trên thế giới, đã bị ảnh hưởng bởi sự giao thoa của xung đột, biến đổi khí hậu và nạn nghèo đói lan tràn. “Năm 2020, Pakistan phải hứng chịu trận dịch châu chấu tồi tệ nhất trong lịch sử, buộc chính phủ phải nhập khẩu lúa mì lần đầu tiên sau 6 năm. Tiếp theo là lũ lụt phá hủy mùa màng, nguồn cung cấp lương thực và gia súc.”
Trong khi đó, quốc đảo Madagascar phải hứng chịu “hạn hán thường xuyên, kéo dài và trung bình 1,5 cơn lốc xoáy mỗi năm - tỷ lệ cao nhất ở châu Phi.” Ước tính 1/5 dân số Malagascar, khoảng 5 triệu người, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thảm họa thiên nhiên tái diễn, bao gồm lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán.
Dẫn ví dụ của Ukraine - quốc gia duy nhất của châu Âu có mặt trong danh sách, báo cáo cho biết: “Căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 và các quy định hạn chế - ngăn người dân kết nối giao thương, tiếp cận các dịch vụ cơ bản và thị trường cũng như tiếp nhận nguồn viện trợ nhân đạo mà họ thường phải sống dựa vào đó.”
Care cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể viện trợ phát triển song phương do các chính phủ tài trợ. Điển hình là các quốc gia giàu có và phát triển đã chuyển hướng nguồn lực của họ để giải quyết tình trạng kinh tế và xã hội do COVID-19 gây ra trong nước. Vì vậy, tổ chức này kêu gọi các phương tiện truyền thông báo chí cải thiện việc đưa tin về các cuộc khủng hoảng nhân đạo vào năm 2021 với hy vọng rằng trong bối cảnh tiếp tục tập trung vào đại dịch COVID-19 và sự chuyển hướng của các nguồn tài trợ lớn, sự chú ý của giới truyền thông có thể giúp các sứ mạng nhân đạo tiếp tục tồn tại.
Anh Tuấn (Lược dịch từ DW)