Chi tiêu đồng bộ vào cơ sở hạ tầng của G20 sẽ thúc đẩy sản lượng toàn cầu. Ảnh minh họa: Economic Times/TTXVN/Vietnam+
Cụ thể, Phó Giám đốc điều hành IMF Antoinette Sayeh chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Rome rằng nền kinh tế toàn cầu đã và đang bắt đầu tăng trưởng trở lại từ vực sâu của khủng hoảng đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm đang làm trì hoãn quá trình phục hồi và nhiều khả năng thất bại có thể xảy ra.
Điều quan trọng lúc này là phải kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế thông qua đầu tư vào vaccine, tiếp tục hỗ trợ tài chính để ngăn chặn phá sản nhiều tầng và thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, kỹ thuật số.
Theo Phó Giám đốc Antoinette Sayeh, tiến bộ trong việc phát triển vaccine COVID-19 là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn cần sự hợp tác để sản xuất, mua và phân phối vaccine đến các quốc gia, kể cả các nước nghèo.
Thêm vào đó, vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh về ước tính của IMF rằng chia sẻ nhanh chóng và rộng rãi các tiến bộ về giải pháp y tế có thể giúp tăng thêm gần 9 tỷ USD vào thu nhập toàn cầu trong 5 năm tới. Điều này cũng có nghĩa sẽ giải quyết khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa các nước giàu hơn và nghèo hơn. Tiếp tục hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình, hỗ trợ duy trì và trợ cấp thất nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và kỹ thuật số sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn trong tương lai.
Trong một thông tin có liên quan, IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu sẽ tăng khoảng gần 2% vào năm 2025 nếu nhóm các nước G20 tăng chi tiêu đồng bộ cho cơ sở hạ tầng thêm khoảng 0,5% GDP vào năm 2021, sau đó nâng lên thành 1% trong những năm tiếp theo.
Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)