|
Ô nhiễm nhựa đe dọa các hệ sinh thái trong đại dương. Ảnh minh họa: Unsplash/TTXVN |
Theo đó, trong vòng một tháng, nhóm công tác từ cơ quan năng lượng nguyên tử của LHQ sẽ hợp tác với Argentina để triển khai đánh giá tác động của các hạt vi nhựa đối với môi trường Nam Cực.
Kế hoạch của các nhà nghiên cứu là điều tra mức độ vi nhựa trong nước biển, hồ, trầm tích, cát, nước thải và động vật thuộc hệ sinh thái Nam Cực, gần trạm nghiên cứu khoa học Carlini của Argentina.
Là một phần trong Sáng kiến ứng dụng công nghệ hạt nhân trong kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa (NUTEC Plastics) của IAEA, 22 địa điểm ở Nam Cực sẽ được giám sát ô nhiễm vi nhựa bằng cách sử dụng công nghệ bức xạ, loại công nghệ có nhiều ứng dụng bao gồm cả tái chế công nghiệp.
Được thành lập hồi năm 2020, NUTEC Plastics là một sáng kiến hàng đầu của IAEA nhằm giải quyết thách thức toàn cầu về ô nhiễm nhựa bằng các công nghệ hạt nhân. Sáng kiến này đang được thực hiện thông qua một mạng lưới các phòng thí nghiệm giám sát nhựa NUTEC, sử dụng những kỹ thuật hạt nhân và đồng vị để tạo ra dữ liệu về sự phân bố của vi nhựa trong đại dương. Dữ liệu chính xác là một bước đi quan trọng trong việc phát triển các kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm nhựa, cũng như những biện pháp và chính sách xử lý.
Quá trình này hoạt động bằng cách sử dụng chùm tia gamma và electron để biến đổi hoặc tái chế chất thải nhựa thành các sản phẩm khác, chẳng hạn như vật liệu xây dựng. Theo cơ quan năng lượng nguyên tử của LHQ, khoảng 70% tổng số nhựa được sản xuất trên thế giới hiện là vật liệu phế thải, và cho đến nay chỉ có 9% trong số đó được tái chế.
“Việc phát hiện ra các hạt vi nhựa trong môi trường Nam Cực từng một thời hoang sơ là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của chất gây ô nhiễm lan rộng và có hại này. Vi nhựa là một vấn đề toàn cầu, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn thiếu dữ liệu khoa học cần thiết để đưa ra những quyết định có cơ sở. Đây là mục tiêu của NUTEC Plastics, bằng cách hiểu rõ nguồn gốc, sự chuyển động và tác động của nhựa, chúng ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về cách giải quyết vấn đề này”, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi lưu ý.
LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News & The Maritime Executive)