|
Việc làm trong lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu đã tăng lên 67 triệu vị trí vào năm 2022. Ảnh: EVN/Laodong |
Theo báo cáo thường niên “Việc làm trong ngành năng lượng thế giới” của IEA, số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu đã tăng lên 67 triệu vào năm 2022, tăng 3,5 triệu việc làm so với mức trước đại dịch. Hơn 50% tăng trưởng việc làm trong giai đoạn này tập trung ở 5 lĩnh vực: điện mặt trời, điện gió, xe điện (EV) và pin, bơm nhiệt và khai thác khoáng sản quan trọng. Trong 5 lĩnh vực trên, năng lượng mặt trời đến nay là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất, tạo ra 4 triệu việc làm, trong khi xe điện và pin tăng trưởng nhanh nhất, tạo thêm hơn 1 triệu việc làm kể từ năm 2019.
Việc làm trong các ngành nhiên liệu hóa thạch cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng phục hồi chậm hơn, khiến con số này thấp hơn mức trước đại dịch. Kết quả là, lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch chiếm hơn 1/2 tổng số việc làm trong ngành năng lượng, vượt qua nhiên liệu hóa thạch vào năm 2021.
Sự gia tăng việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới, trong đó Trung Quốc - nơi có lực lượng lao động trong ngành năng lượng lớn nhất hiện nay, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số việc làm được tạo thêm trên toàn cầu. Việc mở rộng các ngành công nghiệp năng lượng sạch cũng đang tạo ra việc làm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản quan trọng, tạo thêm 180.000 việc làm trong 3 năm qua, làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng tăng của những yếu tố thiết yếu này trong nền kinh tế năng lượng mới.
Thiếu lao động lành nghề
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát độc quyền do IEA thực hiện với 160 công ty năng lượng trên toàn cầu, ngày càng nhiều công ty cho rằng, tình trạng thiếu lao động có tay nghề là rào cản chính đối với việc tăng cường hoạt động. Báo cáo cho thấy số lượng công nhân có bằng cấp hoặc chứng chỉ liên quan đến công việc trong lĩnh vực năng lượng không theo kịp nhu cầu đang ngày càng tăng. Điều này đặc biệt đúng với những người lao động dạy nghề như thợ điện chuyên làm việc trong lĩnh vực năng lượng, cũng như các chuyên gia về khoa học, công nghệ và kỹ thuật.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Sự tăng tốc chưa từng có trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm mới trên toàn thế giới - nhưng những cơ hội này không được đáp ứng đủ nhanh”. Từ đó, ông Birol kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức giáo dục cần triển khai các chương trình nhằm cung cấp chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực năng lượng để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là sản xuất và xây dựng các dự án năng lượng sạch cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu.
Khoảng 36% công nhân năng lượng trên thế giới được yêu cầu phải có tay nghề cao, so với khoảng 27% của nền kinh tế nói chung. Một số công ty nhiên liệu hóa thạch đang đào tạo lại công nhân nội bộ cho các vị trí ở lĩnh vực có lượng phát thải thấp để giữ chân nhân tài hoặc duy trì tính linh hoạt khi có nhu cầu. Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn phù hợp với mọi doanh nghiệp và việc đảm bảo quá trình chuyển đổi lấy con người làm trung tâm và công bằng cho những người lao động bị ảnh hưởng vẫn phải là trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là trong ngành than - nơi việc làm đã giảm liên tục trong vài năm qua, chủ yếu do cơ giới hóa ngày càng tăng.
Nhu cầu đối với lao động trong lĩnh vực năng lượng sạch dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Trong Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vừa được cập nhật, 30 triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng sạch sẽ được tạo ra vào năm 2030, trong khi gần 13 triệu việc làm trong các ngành liên quan đến nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ biến mất. Điều này có nghĩa là cứ mỗi công việc liên quan đến nhiên liệu hóa thạch bị mất đi thì sẽ có khoảng 2 việc làm liên quan đến năng lượng sạch được tạo ra. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào đào tạo nghề và xây dựng năng lực để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mang lại lợi ích cho càng nhiều người càng tốt.
Đáng lưu ý, IEA cho rằng những lao động từ ngoài lĩnh vực năng lượng cũng rất cần thiết, và với một số hoạt động đào tạo lại, nhiều người lao động ngày nay có thể được hưởng lợi từ mức lương cao hơn trong lĩnh vực năng lượng. Thực tế, ngày càng có nhiều cơ quan hoạch định chính sách nhằm đảm bảo việc làm được tạo ra mang lại tiêu chuẩn cao hơn, mang tính toàn diện hơn cho người lao động và hướng tới các cộng đồng năng lượng bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi.