Thế giới

COP26: Nêu bật tác động của khủng hoảng khí hậu đến sức khỏe

ClockChủ Nhật, 07/11/2021 09:28
TTH.VN - Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) năm nay, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có một sự hiện diện lớn hơn bình thường.

COP26: Đã đến lúc cứu lấy nhân loạiLần đầu tiên, thế giới có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C

Lãnh đạo các quốc gia trong một bức ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Điều này thu hút sự chú ý đến việc cuộc khủng hoảng khí hậu trên hành tinh có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người như thế nào, sau một năm bị tàn phá bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ lũ lụt đến cháy rừng.

Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có một gian trưng bày, nơi các chương trình về sự liên hệ giữa sức khỏe và khí hậu đang được tổ chức trong thời gian COP26 diễn ra tại Glasgow (Anh), từ ngày 31/10-12/11.

Tiến sĩ Diarmid Campbell-Lendrum, người đứng đầu đơn vị sức khỏe và biến đổi khí hậu tại WHO cho rằng: "Tại gian trưng bày sức khỏe COP lần đầu tiên, chương trình đầy đủ bao gồm hơn 60 sự kiện về khí hậu và sức khỏe, được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, và diễn ra xuyên suốt thời gian của COP".

Trong tuần thứ 2 của hội nghị, các đại biểu có thể tham dự vào cuộc thảo luận về các chủ đề, chẳng hạn như sự lây lan của những căn bệnh truyền nhiễm khi thế giới ấm lên, và về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và sức khỏe của trẻ em.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tờ The Straits Times, Tiến sĩ Jeni Miller, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu, một liên minh của các nhóm phi Chính phủ về chăm sóc sức khỏe và các tổ chức chuyên nghiệp trên toàn thế giới lưu ý, cộng đồng khí hậu ngày càng công nhận sức khỏe là một vấn đề của biến đổi khí hậu.

Vào ngày 6/11, WHO cũng đã triệu tập Hội nghị Toàn cầu về Y tế và Biến đổi Khí hậu, bên lề hội nghị COP26. Tại hội nghị này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: "Chúng tôi đã đến với nhau để làm nổi bật mối đe dọa chưa từng có mà biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe của con người và nâng cao tiếng nói chung của các chuyên gia y tế tại Glasgow và trên toàn thế giới".

“Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, và cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là một mặt trận thống nhất; làm việc trong quan hệ đối tác với nhiều lĩnh vực liên kết với nhau, bao gồm lĩnh vực năng lượng, các hệ thống lương thực, lĩnh vực giao thông, tài chính và những lĩnh vực khác”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Trong một động thái liên quan hồi tháng trước, hơn 550 tổ chức đại diện cho 46 triệu y, bác sĩ và chuyên gia y tế trên toàn thế giới, tương đương với khoảng 2/3 lực lượng lao động y tế toàn cầu đã ký một bức thư ngỏ gửi đến các quốc gia trước thềm COP26. Trong đó, bức thư cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất duy nhất mà nhân loại phải đối mặt, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện hành động khí hậu.

Đáng chú ý, bức thư được công bố cùng thời điểm phát hành của Báo cáo đặc biệt COP26 của WHO về Biến đổi khí hậu và Sức khỏe, trong đó thiết lập mối liên hệ không thể tách rời giữa khí hậu và sức khỏe, cũng như nhấn mạnh 10 ưu tiên trong việc bảo vệ sức khỏe của con người và hành tinh.

Những ưu tiên này bao gồm bảo vệ và phục hồi thiên nhiên, tài trợ cho sự phục hồi xanh, tạo ra các hệ thống năng lượng bảo vệ, cải thiện khí hậu và sức khỏe, cũng như thúc đẩy các hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững và có khả năng phục hồi nhanh…

Khi được hỏi về những lý do cho sự hiện diện lớn hơn của cộng đồng chăm sóc sức khỏe tại COP26, bà Jeni Miller cho biết, có rất nhiều người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã và đang làm việc trong nhiều năm, nhằm nâng cao nhận thức về cách biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

"Thật không may, chúng ta cũng đang ở thời điểm mà chúng ta đang chứng kiến ​​những tác động đến sức khỏe của biến đổi khí hậu... trên toàn thế giới, chúng mạnh mẽ và cực đoan hơn", bà Jeni Miller nhấn mạnh, đồng thời trích dẫn các vụ cháy rừng, lũ lụt và hạn hán phá vỡ kỷ lục.

“Điều đó ngày càng trở nên không thể phủ nhận đối với những con người bình thường, đối với mọi quốc gia và đối với cộng đồng y tế”, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu khẳng định.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng có thể có tác động. Đại dịch khiến mọi người chú ý về những gì sẽ xảy ra khi có một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, và hậu quả của điều này nghiêm trọng và sâu rộng như thế nào. "Biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe đang hiện ra. Nó vốn đang diễn ra. Chúng tôi không muốn chứng kiến ​​một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác. Chúng tôi muốn ngăn chặn điều này. Và tôi nghĩ rằng, điều đó cũng đã đưa đến cuộc thảo luận xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu", bà Jeni Miller nói thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỘI TIM MẠCH TOÀN QUỐC LẦN THỨ 19:
“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”

Diễn ra trong các ngày từ 13 đến 15/12, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 có chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới” do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, mà còn là cơ hội cập nhật các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp mới nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân.

“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Return to top