Thế giới

WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết

ClockThứ Bảy, 05/10/2024 06:21
TTH - Tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này vừa khởi động Kế hoạch chiến lược toàn cầu nhằm chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó với bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác gây ra bởi arbovirus (virus lây truyền từ động vật chân đốt, ví dụ như muỗi Aedes).

Vaccine sốt xuất huyết Qdenga được xác nhận hiệu quả và an toànWHO phê duyệt vaccine sốt xuất huyết thứ hai, mở rộng khả năng tiếp cận toàn cầu

 Số ca mắc sốt xuất huyết hiện đang tăng vọt trên cả 6 khu vực của WHO. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Thông qua việc thúc đẩy các phản ứng phối hợp toàn cầu, kế hoạch này nhằm mục đích giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do sốt xuất huyết và các bệnh khác lây truyền do muỗi Aedes như Zika và chikungunya…

Cụ thể, kế hoạch sẽ vạch ra các hành động ưu tiên để kiểm soát sự lây truyền và đưa ra các khuyến nghị tác động đến các quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giám sát dịch bệnh, hoạt động trong phòng xét nghiệm, kiểm soát vector lây truyền, quản lý lâm sàng và nghiên cứu - phát triển, thông qua cách tiếp cận toàn xã hội và khu vực.

Ước tính, khoảng 4 tỷ người trên toàn thế giới có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do arbovirus và đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ người. Theo dữ liệu của WHO, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng vọt trên cả 6 khu vực của WHO và kể từ năm 2021, số ca mắc đã tăng gấp đôi mỗi năm, với hơn 12,3 triệu ca tính đến cuối tháng 8 năm nay - gần gấp đôi so với 6,5 triệu ca được báo cáo trong cả năm 2023.

Sốt xuất huyết thường lưu hành ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ. Tình hình cũng rất đáng lo ngại ở các quốc gia châu Phi, nơi đang phải chống chọi với nhiều dịch bệnh trong bối cảnh xung đột và thiên tai, gây thêm áp lực cho các hệ thống y tế vốn đã mong manh.

Tháng 12 năm ngoái, WHO xếp đợt bùng phát sốt xuất huyết toàn cầu hiện nay ở cấp độ 3 - mức khẩn cấp cao nhất của WHO, nhằm hỗ trợ các quốc gia tăng cường năng lực giám sát và triển khai các hoạt động ứng phó.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh rằng “sự lây lan nhanh chóng của bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do arbovirus trong những năm gần đây là một xu hướng đáng báo động, đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp giữa các ngành và xuyên biên giới”. Cũng theo ông, mọi người dân đều có vai trò trong cuộc chiến chống bệnh sốt xuất huyết, từ việc duy trì môi trường sống sạch sẽ, hỗ trợ kiểm soát vector lây truyền… cho đến tìm kiếm và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế kịp thời. Kế hoạch này được xem là lộ trình để đảo ngược tình thế chống lại bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi Aedes lây truyền, bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương và “mở đường cho một tương lai khỏe mạnh hơn”.

Giới nghiên cứu cho rằng các yếu tố như đô thị hóa không theo kế hoạch, thực hành dịch vụ vệ sinh và nguồn nước kém, cùng với biến đổi khí hậu và du lịch quốc tế… đang tạo điều kiện cho bệnh sốt xuất huyết lây lan nhanh chóng về mặt địa lý. Được biết, dịch bệnh này hiện đang lưu hành ở hơn 130 quốc gia.

Các xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy đối với các bệnh khác do arbovirus, chẳng hạn như Zika, chikungunya và gần đây hơn là bệnh do virus Oropouche, nhất là ở châu Mỹ. Rõ ràng, sự gia tăng này trên quy mô toàn cầu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một chiến lược mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dân, WHO khẳng định.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Internet thế giới 2024 (WIC) diễn ra tại thị trấn cổ Ô Trấn (Wuzhen, Trung Quốc), Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết các vấn đề như khoảng cách số và tình hình an ninh mạng nghiêm trọng, đồng thời xây dựng một tương lai số tốt đẹp hơn.

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số
Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Return to top