Thế giới

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

ClockThứ Ba, 12/03/2024 10:00
TTH.VN - Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

Tuổi thọ trung bình ở Tây Thái Bình Dương tăng gấp đôi sau bảy thập kỷÔ nhiễm không khí nguy hiểm như COVID-19, lấy đi của con người 2 năm tuổi thọTuổi thọ con người có thể giảm 20 tháng do ô nhiễm không khí

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm tuổi thọ trung bình của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Reuters/Nhandan 

Theo hàng trăm nhà nghiên cứu sàng lọc dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ, điều này đánh dấu sự đảo ngược rõ rệt trong thời kỳ tuổi thọ toàn cầu tăng kéo dài hàng thập kỷ qua.

Ông Austin Schumacher, nhà nghiên cứu của IHME và là tác giả chính của nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet, khẳng định rằng “đối với người lớn trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 có tác động sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong nửa thế kỷ qua, bao gồm cả xung đột và thiên tai”.

Trong một tuyên bố, ông cho biết trong giai đoạn 2020-2021, tuổi thọ trung bình của người dân đã giảm ở 84% trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích, cho thấy “những tác động tiềm tàng khủng khiếp” của các loại virus mới.

Các nhà nghiên cứu ước tính tỷ lệ tử vong trong giai đoạn này ở những người trên 15 tuổi tăng 22% đối với nam và 17% đối với nữ.

Mexico City, Peru và Bolivia là những nơi có tuổi thọ trung bình giảm nhiều nhất.

Tuy nhiên, các ước tính cập nhật của nghiên cứu mang tính bước ngoặt này của IHME, có tên “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu”, vẫn có một số “tin tốt” như số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trong năm 2021 thấp hơn nửa triệu so với năm 2019. Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ em tiếp tục giảm trong thời gian dài.

Nhà nghiên cứu Hmwe Hmwe Kyu của IHME ca ngợi “sự tiến bộ đáng kinh ngạc” này, đồng thời cho rằng thế giới giờ đây nên tập trung vào “đại dịch tiếp theo và giải quyết sự chênh lệch lớn về sức khỏe giữa các quốc gia”.

Và bất chấp những khó khăn trong đại dịch, con người vẫn sống lâu hơn trước đây, với tuổi thọ trung bình khi sinh ở cả hai giới đã tăng 23 năm trong hơn 7 thập kỷ, từ 49 tuổi vào năm 1950 lên 72 tuổi vào năm 2021.

16 triệu ca tử vong liên quan đến COVID-19

Các nhà nghiên cứu ước tính, COVID-19 là nguyên nhân gây ra hơn 15,9 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2020-2021, trực tiếp do virus SARS-CoV-2 hoặc gián tiếp do những gián đoạn liên quan đến đại dịch. Con số này cao hơn 1 triệu so với ước tính trước đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Được biết, số ca tử vong vượt mức được tính bằng cách so sánh tổng số ca tử vong với số ca tử vong dự kiến nếu không xảy ra đại dịch.

Một yếu tố quan trọng của nghiên cứu là đã xem xét các khu vực mà những báo cáo về COVID-19 vốn ít được chú ý hơn.

Ví dụ, Nicaragua có tỷ lệ tử vong vượt mức cao - điều đã không được thể hiện rõ ràng trong các nghiên cứu trước đây về tỷ lệ tử vong vượt mức trong đại dịch. Các tỉnh Nam Phi KwaZulu-Natal và Limpopo có tỷ lệ tử vong vượt mức được điều chỉnh theo độ tuổi cao nhất thế giới và tuổi thọ giảm mạnh nhất thế giới.

Trong khi đó, Barbados, Antigua và Barbuda nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong vượt mức thấp nhất trong đại dịch, một phần phản ánh việc các hòn đảo biệt lập này thường tránh được gánh nặng của dịch bệnh ở mức nào.

Cũng theo nghiên cứu, Australia và New Zealand - những quốc gia ngay từ đầu đại dịch đã áp dụng một số biện pháp y tế công cộng như phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus - đã đạt được kết quả tốt hơn những nơi khác trên thế giới.

Là một trong 32 quốc gia có tuổi thọ tăng trong thời kỳ đại dịch, Australia có tỷ lệ tử vong chỉ tăng 0,01% trong giai đoạn 2020-2021. New Zealand nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong vượt mức được điều chỉnh theo độ tuổi thấp nhất do đại dịch.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy dân số của nhiều quốc gia giàu có và già hóa đã bắt đầu giảm như thế nào, trong khi dân số tiếp tục tăng ở các quốc gia ít giàu có hơn.

Nhà nghiên cứu Schumacher cảnh báo động thái này “sẽ mang đến những thách thức xã hội, kinh tế và chính trị chưa từng có, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động ở những khu vực nơi dân số trẻ đang bị thu hẹp và khan hiếm tài nguyên ở những nơi quy mô dân số tiếp tục tăng nhanh”. Do đó, “các quốc gia trên thế giới sẽ cần hợp tác về vấn đề di cư tự nguyện”, ông nói thêm.

BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top