Ô nhiễm không khí nguy hiểm như đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Shutterstock/ Thanh Niên
Với thông tin này, các nhà nghiên cứu khẳng định chất lượng không khí kém “là nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người”.
Chỉ số chất lượng không khí cuộc sống (AQLI) cho thất, trong lúc thế giới đang chạy đua tìm kiếm loại vaccine mới có khả năng đưa đại dịch COVID-19 vào tầm kiểm soát, ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục khiến hàng tỷ người có tuổi thọ ngắn hơn và mắc bệnh nặng hơn.
Cụ thể, chỉ số AQLI phát hiện ra rằng bất chấp các hạt bụi mịn ở Trung Quốc – một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới đã giảm đi đáng kể, mức độ ô nhiễm nói chung trên toàn cầu vẫn chỉ giữ ở mức ổn định trong vòng hai thập kỷ qua.
Trong khi đó, ở các nước như Ấn Độ và Bangladesh, tình trạng ô nhiễm không khí lại nghiêm trọng đến mức tuổi thọ trung bình của người dân ở một số khu vực đã bị cắt giảm đến gần 1 thập kỷ.
Các tác giả tham gia bài nghiên cứu cho biết, chất lượng không khí mà con người hít phải có nguy cơ đối với sức khỏe nguy hiểm hơn cả tác động của COVID-19.
Michael Greenstone, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Năng Lượng chia sẻ: “Mặc dù mối đe dọa của COVID-19 là nghiêm trọng và hoàn toàn xứng đáng với mọi sự quan tâm mà nó nhận được, song chấp nhận rằng ô nhiễm không khí cũng có tác động nghiêm trọng tương tự sẽ cho phép hàng tỷ người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh gần ¼ dân số toàn cầu sống ở 4 quốc gia Nam Á bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan, với các nước vừa nêu trên đều thuộc nhóm những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới.
AQLI cũng chỉ ra rằng, lớp dân số này cũng sẽ có tuổi thọ giảm đi trung bình 5 năm sau khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn 44% so với thời điểm 20 năm trước.
Thêm vào đó, ô nhiễm dạng hạt mịn cũng là một mối quan tâm trên khắp khu vực Đông Nam Á , nơi các vụ cháy rừng kết hợp với khói bụi từ giao thông và nhà máy điện luôn tạo ra một lượng lớn khi độc hại thải ra môi trường.
Theo thống kê, khoảng 89% trong tổng số 650 triệu người đang sống trong các khu vực nơi có mức độ ô nhiễm không khí vượt qua tất cả mọi hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã thành công trong công tác cải thiện chất lượng không khí, nhưng ô nhiễm vẫn lấy đi của con người trung bình 2 năm tuổi thọ.
Một số nghiên cứu khác thậm chí còn tìm ra rằng, ô nhiễm không khí cũng là một yếu tố rủi ro chính liên quan đến COVID-19 và Giám đốc Michael Greenstone kêu gọi các chính phủ ưu tiên cải thiện chất lượng không khí sau đại dịch.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)