Thế giới

COVID-19: Nông dân đổ bỏ thực phẩm, người tiêu dùng lo lắng thiếu hụt

ClockThứ Ba, 21/04/2020 07:34
TTH.VN - Trong bối cảnh nông dân và công nhân phải ở nhà do các hạn chế đi lại hoặc lo ngại bị nhiễm COVID-19, năng lực sản xuất bình thường của các trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm bị sụt giảm.

FAO: Mua hàng ồ ạt có thể thúc đẩy tình trạng lạm phát thực phẩm toàn cầuCần đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch COVID-19COVID-19: Thế giới có khả năng đối mặt với khủng hoảng lương thực

Những kệ hàng trống rỗng trong các siêu thị trái ngược hoàn toàn với hình ảnh lượng chất thải nông nghiệp khổng lồ. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Một bài viết vừa được đăng tải trên Tờ Channel News Asia cho hay, đi qua con đường cao tốc Causeway (nối liền phía nam Malaysia với phía bắc Singapore), hàng trăm quả dưa hấu đã bị bỏ mặc cho đến thối rữa trên những cánh đồng của các trang trại trái cây và nhiều tấn dưa hấu bị ném vào thùng rác, kể từ khi Malaysia thực hiện các biện pháp phong toả vào ngày 18/3 nhằm đối phó với sự gia tăng của các trường hợp nhiễm COVID-19 trong nước.

Theo Lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO), hiện được kéo dài đến ngày 28/4, các khu chợ và quầy hàng tươi bên đường đã được lệnh đóng cửa, do đó nhu cầu đối với sản phẩm tươi đã giảm đáng kể, các nông dân cho biết.

Nông dân trồng trái cây Malaysia, ông Toh Lee Chew nói rằng, các đơn đặt hàng dưa hấu của ông giảm 50-70%. Không thể tìm ra cách nào khác để bán chúng, ông đã bỏ mặc những quả dưa đến thối rữa trên cánh đồng.

Anh trai của ông, ông Toh Lee Bing, người giúp cung cấp trái cây cho các khu chợ và chủ quầy trái cây cho hay, ông đã phải vứt đi 3-4 tấn trái cây từ mỗi chiếc xe tải, ngay cả sau khi quyên tặng bất cứ những gì ông có thể cho các tổ chức từ thiện.

Một nông dân trồng trái cây khác là Alvin Lo đã quyên góp một phần nguồn cung dư thừa của mình để làm thức ăn cho động vật trong sở thú, bên cạnh việc quyên tặng một phần cho các tổ chức từ thiện và những người chống dịch ở tiền tuyến.

Nông dân trồng rau Malaysia cũng đang vật lộn với nguồn cung dư thừa. Trong 2 tuần đầu tiên thực hiện MCO, nông dân đã phải vứt bỏ hàng trăm tấn rau tươi, theo ông Tan So Tiok, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Trồng rau Malaysia.

Ông Tan So Tiok cho hay, nguồn cung rau được gửi đến Singapore mỗi ngày thông qua đường cao tốc Causeway đã giảm từ mức 600 tấn xuống còn 400 tấn. Tuy nhiên, tình hình hiện đã ổn định khi nông dân Malaysia bắt đầu trồng một lượng rau nhỏ hơn.

Việc đổ bỏ sản phẩm nông nghiệp dư thừa do nhu cầu giảm mạnh khi các nhà hàng, khách sạn và các cửa hàng thực phẩm khác đóng cửa đang diễn ra không chỉ ở Malaysia.

Tại Hoa Kỳ, Hãng thông tấn The New York Times đưa tin, nông dân đã phải đổ bỏ hàng ngàn gallon sữa tươi (1 gallon = 3,79 lít) xuống đầm phá, hay chôn vùi một triệu pound hành tây (1 pound = 0,45 kg), thậm chí đập vỡ 750.000 quả trứng chưa nở mỗi tuần.

Trong khi đó, nông dân ở Ấn Độ đang đổ bỏ những chiếc xe tải chở nho tươi vào phân trộn, hay cho gia súc ăn dâu tây, bởi cách thay thế duy nhất chỉ là để mặc trái cây hỏng đi, theo Hãng tin Reuters.

Những hình ảnh trong các báo cáo phương tiện truyền thông cho thấy, lượng chất thải nông nghiệp gây choáng ngợp trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của các kệ hàng trống rỗng và những hàng người đứng đợi dài trong các siêu thị ở nhiều khu vực trên thế giới, nơi giới hạn mua đối với hàng tạp hóa cũng được áp dụng để ngăn chặn việc tích trữ.

Sự mất kết nối giữa cung và cầu là kết quả của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu bị gián đoạn chưa từng có do đại dịch COVID-19, các chuyên gia nhận định.

Đại dịch tàn phá các chuỗi cung ứng khi Chính phủ ở nhiều quốc gia áp dụng những biện pháp phong toả để hạn chế sự lây lan của loại virus có khả năng lây nhiễm cao.

Nông dân không thể ra đồng và những người lái xe tải không thể vận chuyển thực phẩm đến các khu chợ khi những biện pháp hạn chế đang được triển khai. Khi các hãng hàng không dừng hầu hết đội tàu bay, khả năng các nhà cung cấp xuất khẩu sản phẩm của họ qua đường hàng không cũng sụt giảm.

Trước đó hồi tháng 3, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Chan Chun Sing cho biết, việc ngừng sản xuất hàng hóa ở nhiều quốc gia khi họ phong toả trong đại dịch COVID-19, cũng như sự gián đoạn đối với kết nối hàng không và hàng hải, là một trong những thách thức lớn nhất mà Singapore đang phải đối mặt trong việc duy trì dòng chảy thương mại của quốc gia.

Một cuộc khảo sát gần đây trên các công ty thực phẩm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho thấy, sự gián đoạn nguồn cung và hạn chế lao động là 2 thách thức lớn nhất của họ trong bối cảnh đại dịch. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Công ty Tư vấn PwC và Tổ chức Food Industry Asia.

“Hệ thống thực phẩm của khu vực vẫn có sự liên kết lẫn nhau rất cao; và phải thừa nhận rằng, sự gián đoạn đối với bất kỳ phần nào cũng sẽ có những phản ứng dây chuyền không lường trước rất đáng kể”, ông Chan Chun Sing nói thêm.

Theo những người mua hàng tạp hóa, một số mặt hàng thực phẩm nhất định, như trứng, hành tây và khoai tây, đã chứng kiến mức giá tăng khoảng 40-50% kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Bất chấp những biến động, các chuyên gia nhấn mạnh, có đủ những mặc hàng không dễ hỏng, như gạo và lúa mì, để nuôi sống thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, dự trữ gạo toàn cầu trong năm nay ở mức cao nhất mọi thời đại với hơn 180 triệu tấn, trong khi sản lượng toàn cầu ước đạt mức kỷ lục khoảng 500 triệu tấn trong năm 2019 và 2020.

Tuy nhiên, ông Paul Teng tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi truyền thống, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng: “Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng tổng quát, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia cùng một lúc. Và thế giới chưa chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tổng quát”.

Bên ngoài các kho dự trữ, một số sự thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra trên toàn cầu trong vài tháng tới, các chuyên gia và nhà hoạt động trong ngành cho biết.

Trong bối cảnh nông dân và công nhân phải ở nhà do các hạn chế đi lại hoặc lo ngại bị nhiễm dịch bệnh COVID-19, năng lực sản xuất bình thường của các trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm bị sụt giảm. Chẳng hạn như, một số nhà máy đóng gói thịt ở Hoa Kỳ đã ngừng hoạt động sau khi công nhân của họ nhiễm bệnh, ông Alex Capri, tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) lưu ý.

Sự trì hoãn trong hoạt động trồng trọt và thu hoạch do thiếu nhân lực, gây ra bởi các biện pháp phong toả có thể ảnh hưởng đến sản lượng của các trang trại, chẳng hạn như gạo, và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tổng nguồn cung.

“Đây là những cây trồng theo mùa. Sự trì hoãn từ 2-3 tháng có thể đồng nghĩa là chúng ta có ít vụ mùa hơn trong một năm. Đây là một trong những mối quan tâm sâu sắc”, ông Tan So Tiok nói thêm.

Mất kết nối giữa cung và cầu

Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn, theo các chuyên gia, là sự mất kết nối giữa cung và cầu.

“Luôn có một độ trễ về thời gian”, đó là lý do tại sao nguồn cung không thể di chuyển đủ nhanh để theo kịp sự thay đổi mạnh mẽ của nhu cầu do đại dịch, ông Paul Teng nhấn mạnh. Rất nhiều thực phẩm bị đổ bỏ đã được trồng nhằm mục đích cung cấp cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, khách sạn, trường học, và sân bay, tất cả đều chứng kiến nhu cầu giảm mạnh và đột ngột khi các biện pháp phong toả và đóng cửa biên giới được thực hiện.

Do độ trễ về thời gian này, thực phẩm được sản xuất dựa trên lịch trình sản xuất cũ, ông Alex Capri nói, và nhiều nông dân cuối cùng không thể di chuyển những mặt hàng này đến nơi mà nhu cầu đã chuyển đến, đó là các siêu thị và tại nhà.

“Sẽ có sự dư thừa, và thực phẩm cuối cùng sẽ không đi đến nơi mà chúng cần đến”, ông ấy nói thêm.

Vấn đề càng thêm phức tạp bởi sự phụ thuộc vào các liên kết vận tải truyền thống, như đường hàng không và đường hàng hải đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi thương mại và đi lại hàng không toàn cầu bị đình trệ.

“Điều cần thiết là đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua chuỗi cung ứng đã được thiết lập. Nếu bị gián đoạn, thì các chuỗi cung ứng mới sẽ phải được thiết lập rất nhanh chóng”, theo bà Cecilia Tortajada, tại Trường Chính sách công Lee Leeuan Yew, Singapore.

Có thể làm gì nếu đại dịch tiếp tục kéo dài?

Thách thức của việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm đầy đủ chưa trở nên nghiêm trọng, ông Paul Teng nhận định. Tuy nhiên, ông cảnh báo điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình đại dịch kéo dài bao lâu và liệu các biện pháp phong toả trên toàn thế giới có tiếp tục hạn chế sự di chuyển của nông dân và người vận chuyển thực phẩm hay không.

“Nếu điều này tiếp diễn, nó chắc chắn sẽ có tác động đến sự sẵn có của nông sản và vận tải nông sản”, theo ông Paul Teng. Một cách để khắc phục vấn đề này trong thời gian dài hơn là chế biến những loại thực phẩm dễ hỏng, để có thể giữ chúng được lâu hơn. Sữa tươi có thể được làm thành sữa bột và xuất khẩu, hay quả việt quất tươi có thể được làm thành mứt việt quất.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, nhiều ngôi làng nông thôn nơi có các trang trại không được trang bị những loại nhà máy móc để chế biến thực phẩm.

“Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài tháng này qua tháng khác, những nơi sản xuất nông sản có thể sẽ phải bắt đầu suy nghĩ liệu có nên bắt tay vào chế biến thực phẩm không?”, ông Paul Teng nhìn nhận.

Một giải pháp khác là xây dựng thêm nguồn thực phẩm địa phương, theo ông Alex Capri. Điển hình là Singapore, quốc gia đã đặt mục tiêu trồng 30% thực phẩm mà họ tiêu thụ đến năm 2030. Các nhà sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng ít hơn 10% nhu cầu dinh dưỡng của Singapore. Đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ thúc đẩy các kế hoạch về nội địa hóa thực phẩm ở Singapore và những nơi khác trên toàn cầu.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNA, The New York Times & Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
biểu hiện Bé thiếu canxi Đồ ăn chó Đồ ăn khô cho chó

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

Sáng 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phiên chất vất và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri, nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận quan tâm theo dõi.

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Hướng dẫn 300 bà mẹ thực hành dinh dưỡng

Ngày 7/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tổ chức lớp tập huấn tại xã Hương Nguyên (A Lưới) về hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú dưới 2 tuổi.

Hướng dẫn 300 bà mẹ thực hành dinh dưỡng
88% người tiêu dùng Đông Nam Á dựa vào AI để quyết định mua hàng

Trong sách trắng đầu tiên về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thương mại điện tử tại Đông Nam Á, nền tảng thương mại điện tử Lazada cho biết, nghiên cứu mới của họ đã phát hiện ra phần lớn người tiêu dùng ở Đông Nam Á đang sử dụng AI để đưa ra quyết định mua hàng.

88 người tiêu dùng Đông Nam Á dựa vào AI để quyết định mua hàng
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
Return to top