Các sản phẩm gạo từ Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung của ông Qu Dongyu, người đứng đầu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO); ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO); và ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết: "Sự không chắc chắn về sự sẵn có của lương thực có thể gây ra một làn sóng hạn chế xuất khẩu, tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu".
"Trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa do COVID-19, mọi nỗ lực phải được thực hiện để đảm bảo rằng, dòng chảy thương mại càng tự do càng tốt, đặc biệt là để tránh sự thiếu hụt lương thực mở rộng. Khi hành động để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của công dân, các quốc gia nên đảm bảo rằng, bất kỳ biện pháp nào liên quan đến thương mại cũng không làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm”, tuyên bố chung nhận định.
Trừ khi các giải pháp được tìm ra nhanh chóng, tình trạng thiếu lao động nông nghiệp thời vụ từ Mexico khiến việc sản xuất của nhiều loại cây trồng ở Hoa Kỳ đối mặt với rủi ro. Trong khi đó ở Tây Âu, sự vắng mặt của các công nhân từ Bắc Phi và Đông Âu có thể dẫn đến một kết quả tương tự.
"Chúng ta mới chỉ ở thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng này. Hoạt động thu hoạch sẽ bắt đầu trong vài tuần, sự di chuyển của hàng hóa cần phải được đảm bảo", ông Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cấp cao của FAO nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo FAO, WHO và WTO cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm, về cả sức khỏe của chính họ và của những người khác, cũng như duy trì những chuỗi cung ứng lương thực.
Nhân viên thu ngân của siêu thị nằm trong số những người tử vong do dịch bệnh COVID-19 ở Italy và Pháp, nơi một số công nhân đã tổ chức các cuộc đình công liên quan đến tình trạng thiếu các biện pháp và thiết bị để bảo vệ họ. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Whole Foods Market ở Mỹ cũng đang phải đối mặt với khả năng ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, FAO, WHO và WTO cho hay, làm việc cùng nhau là điều cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt lương thực do các biện pháp đối phó với COVID-19 gây ra.
"Chính những lúc như thế này, nhiều hơn, không phải ít hơn, hợp tác quốc tế là điều thiết yếu. Chúng ta phải đảm bảo rằng, phản ứng của chúng ta đối với COVID-19 không vô tình tạo ra sự thiếu hụt không đáng có đối với các mặt hàng thiết yếu, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và thiếu dinh dưỡng", các nhà lãnh đạo lưu ý thêm.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The ASEAN Post)