Nhiều người dân xếp hàng dài chờ mua hàng ở siêu thị Costco, Mỹ do lo ngại dịch COVID-19. ẢNh: Reuters/nld
Các quốc gia giàu có nhất thế giới đã đổ các khoản viện trợ chưa từng có vào nền kinh tế toàn cầu khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp châu Âu và Mỹ, với số ca tử vong ở Italy đã vượt xa Trung Quốc đại lục.
Với hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 13.000 ca tử vong, dịch COVID-19 đã làm cả thế giới “choáng váng” và có thể được so sánh với cuộc khủng hoảng thời Thế chiến thứ hai hay đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Theo nhận định của nhà kinh tế cấp cao của FAO, “đây không phải vấn đề về nguồn cung, mà là sự thay đổi hành vi đối với an ninh lương thực. Điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nguồn cung thực phẩm toàn cầu”.
Thực tế cho thấy trong những tuần gần đây, người tiêu dùng trên khắp thế giới, từ Singapore cho đến Mỹ, đã xếp hàng dài mua sắm tại các siêu thị để dự trữ các mặt hàng từ gạo và nước rửa tay cho đến giấy vệ sinh.
Giá lúa mì tương lai chuẩn tại Chicago tăng hơn 6% trong tuần này, mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 9 tháng qua, trong khi giá gạo ở Thái Lan, nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 2 thế giới, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.
Ngành công nghiệp ngũ cốc của Pháp đang vất vả để tìm đủ xe tải và nhân viên nhằm giữ cho các nhà máy và cảng hoạt động khi việc mua mì ống và bột mì diễn ra ồ ạt, cùng lúc với sự gia tăng xuất khẩu lúa mì.
Trong khi đó, các hạn chế do một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu áp đặt tại biên giới với các quốc gia thành viên khác nhằm hạn chế sự lan truyền của đại dịch cũng đang làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm, khiến tâm lý lo ngại gia tăng, đại diện của ngành công nghiệp và nông nghiệp cho biết.
Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự trữ lúa mì toàn cầu tính đến tháng 6/2020 được dự đoán sẽ đạt mức 287,14 triệu tấn, tăng từ mức 277,57 triệu tấn của một năm trước. Lượng dự trữ gạo thế giới cũng được dự đoán lên đến 182,3 triệu tấn, so với 175,3 triệu tấn một năm trước đó.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)