Đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều bài học về sự cần thiết phải thúc đẩy một thế giới kết nối, hợp tác bền chặt để vượt qua thách thức. Ảnh minh họa: THX/TTXVN/Vietnam+
Hàng triệu người vốn đang phải vật lộn để kiếm sống, thường làm việc trong nền kinh tế nông nghiệp không chính thức và sống dưới mức nghèo khổ, hiện đã và đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro mới mà họ không thể lường trước được. Chúng bao gồm tình trạng thất nghiệp, nợ nần, bạo lực dân sự, bạo lực gia đình, việc học hành của trẻ em bị sa sút, cùng với đó là cơ hội giảm sút nghiêm trọng. Thậm chí ở nhiều quốc gia, phụ nữ phải chịu đựng sự đối đãi không cân xứng do định kiến về giới vốn đã tồn tại trong xã hội từ rất lâu về trước.
Tổng hợp lại, những đau khổ mà con người phải trải qua đã được chính phủ các nước nhận định là những thách thức phải được khắc phục và giải quyết khẩn cấp, trong đó đều là những thách thức rất thực tế như: Làm thế nào để hiểu và quản lý tốt hơn các rủi ro về hệ thống, “ảnh hưởng theo tầng” gây ra bởi COVID-19, khi đại dịch lây lan rộng hơn trên toàn thế giới.
Hiệu ứng Domino đe dọa tính mạng
Báo cáo “Xem xét rủi ro trong thời gian xảy ra COVID-19” thực hiện bởi Viện Môi trường và An ninh Con người (UNU-EHS) cho thấy, tại mỗi địa điểm, bức tranh về hiệu ứng Domino gây nên do sự bùng phát và lây lan của đại dịch ngày càng trở nên rõ ràng.
Điều này minh chứng cho việc thế giới của chúng ta được kết nối với nhau thông qua các hệ thống đi kèm với các rủi ro liên quan, cộng thêm nhiều vấn đề khác đã bộc lộ và củng cố những lỗ hổng trên toàn xã hội.
Đã đến lúc cần cái nhìn rộng lớn hơn
Sự xuất hiện của COVID-19 đã buộc mọi người phải mở rộng quan điểm về các rủi ro hệ thống. Một thông tin tốt là những tiến triển đã được ghi nhận, với nhiều thông tin hơn và những cách giải quyết chúng cũng hình thành nhiều hơn.
Sau khi đại dịch đã xuất hiện và hoành hành, tạo nên những cú sốc lớn cho toàn cầu, điều cần thiết là phải hiểu rõ mọi thứ kết nối với nhau như thế nào. Thêm vào đó, cần xác định việc phải đánh đổi những gì khi triển khai các biện pháp chính sách. Điều này được nhìn thấy rõ nhất khi các hạn chế chống dịch bao gồm đóng cửa trường học, phong tỏa, hạn chế đi lại... đã có tác động rộng rãi ở cả mặt tốt và chưa tốt như thế nào.
Thêm nữa, cần tập trung vào các quy trình phục hồi hệ thống, đồng thời đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Cần nhận định rằng, thế giới liên kết ngày nay là một thế giới đang phát triển. Đã đến lúc phải hiểu biết sâu hơn về những rủi ro hệ thống, cách chúng gây ra nguy cơ và điều hướng giải quyết như thế nào. Việc quản lý rủi ro này cần được lồng ghép đúng cách vào cách các nhà hoạch định chính sách và những bên liên quan tiếp cận rủi ro, với mục đích tạo ra các cộng đồng và xã hội bền vững, bình đẳng và thịnh vượng hơn trên toàn thế giới.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)