Chính phủ các nước phải ưu tiên đầu tư vào con người, hay còn gọi là vốn nhân lực. Ảnh: VOV
Vấn đề của khu vực
Nhìn toàn diện, ASEAN cho thấy rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, kết quả trung bình trong giáo dục, phát triển kỹ năng và các chỉ số sức khỏe dưới kỳ vọng khiến người dân trong khu vực chỉ đạt được mức thù lao tương đối thấp. ASEAN cũng đối mặt với sự chênh lệch lớn trong tuổi thọ, năng suất làm việc và chất lượng giáo dục trên toàn khu vực...
Tại ASEAN, gần 1/3 trẻ em trong khu vực bị suy dinh dưỡng mãn tính. Vấn đề này khiến các em có nguy cơ bị hạn chế về cả nhận thức và năng lực thể chất suốt đời. Không dừng lại ở đó, dữ liệu đưa ra cho thấy 15% thanh niên ngày nay sẽ không sống đến tuổi 60. Tử vong sớm là hậu quả chủ yếu của các bệnh không lây như tiểu đường, ung thư, các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch. Một phần lớn công nhân lao động trong khu vực không được hưởng chế độ bảo hiểm và liên tục đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Phụ nữ và cư dân vùng nông thôn thường chấp nhận làm những công việc thu nhập thấp, vô hình trung làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng...
Trước những vấn đề này, bảo vệ thành quả ấn tượng đã đạt được trong suốt hai thập kỷ qua đòi hỏi chính phủ các nước phải ưu tiên đầu tư vào con người, hay còn gọi là vốn nhân lực. Đây là thách thức lớn về cả kinh tế và tinh thần đối với các nhà lãnh đạo ASEAN. Nhận thấy cần phải hỗ trợ, Ngân hàng thế giới (WB) cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ thông qua các chương trình về dinh dưỡng, học tập, bảo trợ xã hội và sức khỏe với khoản đầu tư có giá trị tổng cộng lên đến hơn 3 tỷ USD cho toàn khu vực.
Đầu tư vào vốn nhân lực
Cần phải thừa nhận rằng, ASEAN đã và đang vượt qua những thách thức khó khăn của thời kỳ trước, đồng thời nhờ vào nỗ lực phối hợp của chính phủ, công dân và khu vực tư nhân để thu hẹp khoảng cách vốn nhân lực.
Cụ thể, Việt Nam nổi bật trong khu vực với hệ thống giáo dục cơ bản chất lượng cao. Đất nước thu hút rất nhiều giáo viên có trình độ với nhiều hỗ trợ, cũng như tập trung đầu tư vào hệ thống trường mầm non và tiến hành đánh giá kỹ lưỡng để nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên và các điểm trường trong chất lượng giáo dục mà họ cung cấp.
Tại khu vực nói chung, điều cần thiết lúc này là lập kế hoạch rõ ràng cho từng hạng mục đầu tư phát triển. Giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo cho lực lượng lao động thấp thông qua hệ thống giáo dục phi chính quy cũng rất quan trọng. Để đủ sức cạnh tranh trong thị trường lao động trong tương lai, người lao động sẽ cần các kỹ năng, nền tảng làm việc vững chắc.... Để đạt được tất cả những mục tiêu đề ra, điều kiện tiên quyết là phải có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ ở tất cả các cấp chính quyền, bộ, ban ngành tại tất cả các lĩnh vực.
Nếu không có vốn nhân lực toàn diện, các quốc gia sẽ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế, sẽ không có lực lượng lao động có thể đáp ứng yêu cầu làm việc có tay nghề cao trong tương lai và không thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, tờ Khmer Times dẫn lời nhà kinh tế Victoria Kwakwa cho hay.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Khmer Times)