Thế giới

Để theo kịp sự bùng nổ thương mại điện tử trong ASEAN

ClockThứ Năm, 08/10/2020 15:36
TTH.VN - Đại dịch COVID-19 dẫn đến một trạng thái bình thường mới cho các cộng đồng với sự giãn cách xã hội, làm việc từ xa và mua sắm trực tuyến. Khi ngày càng có nhiều người ở trong nhà vì lo ngại dịch bệnh, người tiêu dùng chuyển sang thương mại điện tử để mua sắm các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như hàng tạp hóa, hay thiết bị máy tính.

ASEAN với các biện pháp thương mại ứng phó thời đại dịchCác xu hướng thương mại điện tử thay đổi nhanh chóng trong đại dịch

Hàng hóa được phân loại trước khi đến tay các khách hàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Viện Nghiên cứu CIMB ASEAN (CARI), doanh thu kỹ thuật số toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng 20% ​​trong quý I năm 2020, so với mức tăng 12% trong quý I năm 2019. Báo cáo phân tích dữ liệu từ 1 tỷ người mua sắm toàn cầu ở hơn 34 quốc gia cũng nhận thấy, lưu lượng truy cập kỹ thuật số tăng 16% trong cùng thời gian nói trên.

Sự bùng nổ thương mại điện tử trong bối cảnh đại dịch cũng có thể được chứng kiến ở khu vực Đông Nam Á. CARI cho rằng, sự tăng trưởng đang diễn ra của thương mại điện tử trong khu vực dựa trên sự mở rộng trước đó của các thị trường trực tuyến, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp bán hàng hóa của họ cho người tiêu dùng.

“Những công ty hàng đầu trong ngành này như Lazada, Shopee và Tokopedia đã dẫn đầu sự tăng trưởng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thông qua việc cung cấp các nền tảng có thể mở rộng, dễ tiếp cận, nơi các nhà bán lẻ nhỏ hơn có thể giao dịch trực tuyến và tiếp cận người tiêu dùng mới trong và ngoài khu vực Đông Nam Á”, CARI nhận định trong báo cáo có tiêu đề “Thương mại điện tử trong trạng thái bình thường mới”.

Thách thức

Khi ngành thương mại điện tử trải qua sự phát triển vượt bậc trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội, lĩnh vực hậu cần và giao hàng cũng nhận được sự thúc đẩy. Tuy nhiên, sự gia tăng về nhu cầu đối với hàng hóa y tế và mua sắm trực tuyến đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi rằng, liệu các công ty giao hàng có thể bắt kịp với sự bùng nổ thương mại điện tử hiện nay hay không.

Một trong những ưu tiên chính của các công ty giao hàng là đảm bảo sản phẩm mà người tiêu dùng đặt hàng sẽ được giao đến nơi đúng thời hạn. Thế nhưng, khi các hoạt động hậu cần bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, điều này đã được chứng minh là một thách thức lớn.

Một báo cáo chung gần đây của Tập đoàn Thương mại Điện tử iPrice Group và nền tảng định vị bưu kiện Parcel Monitor tiết lộ, những tác động tồi tệ nhất của giãn cách xã hội đối với việc giao hàng thương mại điện tử đã được cảm nhận ở Malaysia. Thời gian giao hàng trong quốc gia này đã tăng từ 2,1 ngày (trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện) và đạt đỉnh điểm là 4,6 ngày trong thời gian Malaysia tiến hành phong toả một phần.

Các phương tiện truyền thông Malaysia đưa tin, nhiều khách hàng đã lên tiếng phàn nàn về việc giao hàng chậm hoặc gói hàng bị hỏng trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bày tỏ sự thất vọng trước dịch vụ chậm chạp của một số công ty giao hàng, bởi họ dựa vào việc giao hàng để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

Tương tự như vậy, ở Indonesia, các bưu kiện mất khoảng 3 ngày để đến tay khách hàng, chậm hơn so với mức trung bình trước đó là 2,3 ngày. Mặc dù tình hình được ghi nhận khả quan hơn ở các quốc gia thành viên ASEAN là Thái Lan và Singapore, nhưng thời gian giao hàng trung bình ở đây vẫn tăng 0,2 ngày trong những tháng khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện.

Báo cáo chung có tiêu đề “Cách ngành giao hàng của ASEAN tự đổi mới để chống lại áp lực từ COVID-19” cũng lưu ý, một số hãng giao hàng đã hoạt động trong thời gian ngắn hơn, như một biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho các nhân viên của họ.

Ngoài ra, các chuyến bay và tàu thuyền bị hạn chế trong khu vực cũng dẫn đến sự chậm trễ và chi phí hậu cần tăng, theo ông Timothy M. Kairuz, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại nhà cung cấp dịch vụ hậu cần Philippines Transglobe Logistics International Inc.

Giải pháp

Những thách thức nêu trên khiến một số công ty chuyển phát và hậu cần đưa ra các đổi mới và giao thức mới để đối phó với đại dịch và nhu cầu cao hiện nay. Một trong những giải pháp được Parcel Monitor khuyến nghị là sử dụng các mạng lưới tủ giao nhận hàng thông minh ở Đông Nam Á. Những tủ giao nhận hàng thông minh này sẽ giúp đảm bảo các dịch vụ giao hàng nhanh chóng và linh hoạt, đồng thời giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên giao hàng và khách hàng.

Chính phủ Singapore mới đây đã công bố phát triển 1.000 trạm tủ giao nhận hàng thông minh trên toàn quốc, dự kiến ​​hoàn thành trước cuối năm 2021. Ngoài ra, Malaysia cũng đã thiết lập các trạm này tại một số nhà ga giao thông công cộng trong nước.

Ông Arne Jeroschewski, Giám đốc Điều hành của Parcel Monitor cũng đề xuất tăng cường tính rõ ràng và minh bạch trên hành trình giao hàng, vì đây sẽ trở thành một giải pháp quan trọng để cải thiện trải nghiệm khách hàng cho cả người nhận và người bán.

Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển Ninja Van đã triển khai giải pháp này bằng cách cung cấp các tính năng theo dõi trực tiếp và trò chuyện trực tiếp, cho phép người nhận bưu kiện giao tiếp tốt hơn với người giao hàng. “Đây là một xu hướng giao hàng sẽ tiếp tục phát triển ở ASEAN, khi dịch vụ hậu cần thương mại điện tử trong khu vực tiếp tục nở rộ”, ông Arne Jeroschewski nói thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững
Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng

Theo dữ liệu vừa được công bố của Tập đoàn UOB, du lịch nội khối của các nước Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, với sự phục hồi về lưu lượng hành khách nói chung trong khu vực. Bất chấp những thách thức kinh tế và xã hội đang diễn ra, nhu cầu du lịch của người dân châu Á nói chung - Đông Nam Á nói riêng vẫn đầy hứa hẹn, trong đó du khách có xu hướng ưu tiên đặt các chuyến đi ngắn ngày hơn và tìm kiếm những chuyến du lịch nhanh ra nước ngoài với chi phí tốt nhất.

Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng
Return to top