Các nhân viên kiểm tra y tế tại sân bay Bắc Kinh. Ảnh: Nhật báo Bắc Kinh/VOV
"Virus Corona (SARS-CoV-2) có khả năng sẽ tồn tại cho đến cuối năm nay", Straitstimes trích lời Phó giáo sư Hsu Li Yang, người đứng đầu chương trình bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Với sự tăng đột biến các trường hợp nhiễm bệnh mới trên toàn cầu, hy vọng về việc dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới khó có thể xảy ra, phó giáo sư Hsu nói. Tính đến thời điểm hiện tại (10/3), số trường hợp được xác nhận dương tính với COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 100.000 người và số ca tử vong lên tới hơn 4.000.
Phó giáo sư Hsu là một trong bốn chuyên gia hàng đầu đã tham gia cuộc trao đổi với phóng viên y tế cao cấp của tờ The Straits Times trong một cuộc thảo luận kéo dài một giờ, được phát trực tiếp trên các kênh truyền thông xã hội của báo. Ba người còn lại là Phó giáo sư Kenneth Mak, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ y tế, Bộ Y tế Singapore; Giáo sư Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm; và Giáo sư Tikki Pangestu, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cựu giám đốc bộ phận hợp tác nghiên cứu và chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Giáo sư Pangestu đã phác thảo ra 3 kịch bản có thể xảy ra mà thế giới phải đối mặt:
- Một là: dịch COVID-19 sẽ lan rộng đến nhiều quốc gia, bao gồm cả những trường hợp nghiêm trọng và đây sẽ tiếp tục là một tình huống khẩn cấp.
- Hai là: virus SARS-CoV-2 có thể "biến mất hoàn toàn", tương tự như hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS bùng phát hồi năm 2003, cướp đi gần 800 mạng sống trên toàn cầu.
- Ba là: virus SARS-CoV-2 trở thành đặc hữu và nhân loại có thể phải sống với sự tồn tại liên tục của virus này, giống như các loại virus khác như virus cúm lợn H1N1.
Theo lời Giáo sư Pangestu, kịch bản thứ ba là những gì WHO đang nghĩ đến. “Nó sẽ trở thành một phần trong sự tồn tại hàng ngày của chúng ta", ông nói.
Trong khi đó, Giáo sư Leo cảnh báo rằng kịch bản thứ 2 - rằng virus có thể bị "đẩy lùi" - khó có thể xảy ra. Bà cho rằng, cách thức virus tấn công bệnh nhân bị Sars và những người mắc COVID-19 là khác nhau. Bệnh nhân mắc COVID-19 có xu hướng khó kiểm soát.
Giáo sư Mak của MOH nhận định rằng, "với cách mọi thứ đang diễn ra, COVID-19 sẽ không biến mất trong 1-2 tháng tới. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần ... và thậm chí coi đó là một điều bình thường mới".
Đồng thời, Giáo sư Mark nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cảnh giác và tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân. "Nếu chúng tôi không giới hạn và lập hàng rào khoanh vùng những người bị nhiễm virrus, đó là nơi số lượng ca nhiễm tăng lên ... và sẽ rất khó khăn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh".
BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitimes)