Các nước Đông Nam Á đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm ngoái, một số nước Đông Nam Á được ca ngợi nằm trong số những quốc gia đi đầu vì đã xử lý khéo léo đại dịch COVID-19. Giờ đây, các nước trong khu vực này đang phải chiến đấu với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19.
Mặc dù số ca nhiễm vẫn còn thấp so với các điểm nóng khác như Ấn Độ và Brazil, nhưng các chính phủ trong khu vực đã bắt đầu phong toả và tăng cường các biện pháp kiểm dịch.
Các nước Đông Nam Á cũng đã tăng tốc các đợt tiêm chủng bằng cách triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, loại bỏ các sai sót trong các chính sách trước đây, mở rộng các nỗ lực tiêm chủng và các biện pháp khuyến khích người dân tiêm chủng… tất cả đều nhằm bảo vệ người dân và mở cửa lại các nền kinh tế vốn đã bị tàn phá bởi đại dịch.
Singapore là quốc gia đi đầu trong khu vực về tiêm chủng, với hơn 30% dân số đã được chủng ngừa đầy đủ. Nước này đã cho phép tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi và các hạn chế kéo dài hàng tháng được áp dụng để chống lại sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 dự kiến sẽ được nới lỏng từ hôm nay (14/6). Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng của Singapore đang bị cản trở bởi sự chậm trễ trong các chiến dịch tiêm chủng, hầu hết các nước chỉ mới tiêm vaccine cho chưa tới 10% dân số.
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia hiện đang nỗ lực để tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng.
Indonesia, quốc gia đã tiêm hơn 30 triệu mũi vaccine, chủ yếu cho người cao tuổi, nhân viên y tế và những người khuyết tật - đang cho phép người già đến bất kỳ cơ sở nào để tiêm vaccnine mà không cần đăng ký trước, đồng thời thanh thiếu niên giúp đưa những người từ 60 tuổi trở đến tiêm chủng cũng sẽ nhận được mũi tiêm.
Indonesia cũng yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật để giúp nước này trở thành trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 trong khu vực.
Malaysia đang ở trong một giai đoạn đình trệ khác sau khi ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong những tuần gần đây. Trước tình hình đó, nước này đã mở các trung tâm tiêm chủng lớn để tiêm vaccine cho 8.000 người/ngày. Ở những khu vực mà người dân khó có thể đến được trung tâm tiêm chủng, một loạt các xe chở vaccine đã được triển khai để giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
Thống kê cho thấy khoảng 1,22 triệu người, tương đương với gần 4% trên tổng dân số 32 triệu người Malaysia, hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ tuyên bố 16 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp trong vong 2 tháng tới.
Thái Lan đã đặt mục tiêu tiêm 500.000 liều vaccine mỗi ngày từ tháng này, cao gấp 5 lần so với mức trung bình hàng ngày trước đó. Nước này cũng công bố kế hoạch mở cửa khu du lịch Phuket vào tháng tới cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ.
Chính phủ Thái Lan cũng cho phép các tổ chức hành chính tư nhân và địa phương chủ động mua vaccine COVID-19, nhưng chỉ thông qua một số cơ quan được chỉ định.
Campuchia đã huy động đến lực lượng quân đội để tiêm chủng cho người dân và khuyến khích tiêm chủng bằng cách trao thưởng cho người tiêm chủng thứ 1 triệu và 2 triệu mỗi người 10 triệu riel.
Lào đã cấm các tổ chức tư nhân mua vaccine COVID-19 những ngăn chặn những vấn đề về bất bình đẳng.
Việt Nam, từng được xem là điển hình cho việc xử lý thành công đại dịch trong năm ngoái, đang kêu gọi đóng góp cho quỹ vaccine COVID -19 nhằm đảm bảo đủ liều vaccine cần thiết cho người dân, giữa bối cảnh phải chiến đấu để ngăn chặn một làn sóng dịch bệnh mới.
Philippines đã mở rộng việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Trong khi đó, các công ty tư nhân nước này cũng được phép mua vaccine để tiêm chủng cho công nhân của mình. Philippines cũng đang nỗ lực củng cố niềm tin của người dân vào chương trình tiêm chủng và giải quyết vấn đề do dự, trong khi một số thành phố và thị trấn treo thưởng mọi thứ từ gia súc, đất đai cho đến tài sản để khuyến khích người dân tiêm phòng.
Ước tính Đông Nam Á cần khoảng 1,4 tỷ liều vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số hơn 650 triệu dân. Ảnh: VTV
Theo Straitstimes, mặc dù đã nỗ lực hết sức để tăng cường tiêm chủng, các quốc gia Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo có đủ vaccine cho người dân.
Ước tính, khu vực này sẽ cần khoảng 1,4 tỷ liều để cung cấp cho toàn bộ dân số hơn 650 triệu người, khiến một số nhà phân tích cảnh báo rằng đây sẽ là một thách thức lớn vì nhu cầu vắc xin toàn cầu vượt xa nguồn cung.
Logistics cũng là một vấn đề quan trọng khác mà các nước Đông Nam Á cần giải quyết vì cơ sở hạ tầng yếu kém và nguồn lực hạn chế trong việc phân phối và lưu trữ vaccine chính là một rào cản lớn làm chậm tiến trình triển khai vaccine, nhất là ở các vùng nông thôn miền núi và các hải đảo xa xôi.
Một bài phân tích trên Geopolitical Monitor cho rằng “việc chậm triển khai vaccine sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Đông Nam Á. Đối với một khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch, tỷ lệ bao phủ vaccine thấp cộng với việc đóng cửa biên giới có nghĩa là các quốc gia này sẽ khó mở cửa nền kinh tế sớm, từ đó có thể bỏ lỡ các cơ hội kinh tế khi phương Tây dần mở cửa trở lại”.
Trong một nỗ lực hỗ trợ các nước đối phó với đại dịch, Mỹ gần đây đã công bố kế hoạch tài trợ 7 triệu liều vaccine cho Nam Á và Đông Nam Á, trong khi G7 dự kiến sẽ tặng 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo nhất thế giới. Các nước Đông Nam Á cũng đang nỗ lực tự sản xuất vaccine nội địa để chủ động nguồn cung cho người dân trong nước.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)